- 2025-05-14T00:00:00
- Phân tích doanh nghiệp
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đã tổ chức cuộc họp nhà đầu tư vào ngày 14/05. Nhìn chung, những chia sẻ về KQKD quý 1/2025 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và sự phục hồi của FEC. Mặc dù ngân hàng nhận thấy một số rủi ro giảm do sự bất định về thuế quan, VPB vẫn cam kết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2025 (tăng trưởng tín dụng đạt 25% YoY; lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 26% YoY) nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nước và sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Những ghi nhận chính từ cuộc họp như sau:
1. Môi trường vĩ mô:
- Tăng trưởng GDP quý 1/2025 mạnh mẽ cùng với lạm phát được kiểm soát tốt, vốn FDI giải ngân tăng mạnh và sự phục hồi tích cực trong ngành du lịch.
- Thách thức: áp lực mất giá của đồng VND và tăng trưởng tín dụng vượt tốc độ tăng trưởng tiền gửi cho thấy khả năng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng vào cuối năm (dù dự kiến sẽ ổn định trong 3 tháng tới); giá nhà ở tăng từ mức nền cao (tuy nhiên Chính phủ cũng đang thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, điều này có thể hỗ trợ nhu cầu thực về nhà ở).
- Nghị quyết số 68-NQ/TW thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân là một bước đi chiến lược cho nền kinh tế. Ngoài ra, việc luật hóa Nghị định 42 về xử lý nợ xấu là một yếu tố hỗ trợ khác cho ngành ngân hàng.
- Tác động trực tiếp của thuế quan đối với VPB hiện ở mức không lớn (mặc dù vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình).
2. Thông tin chi tiết về KQKD quý 1/2025 và triển vọng:
- Tăng trưởng tín dụng: Tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 đạt 6% so với quý trước (QoQ), được thúc đẩy bởi phân khúc doanh nghiệp, và cho vay mua nhà thúc đẩy tăng trưởng cho vay bán lẻ. (dư nợ của VPB đối với ngành bất động sản nghiêng về thị trường miền Bắc, nơi ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ hơn). VPB kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 đạt 15% (so với mục tiêu cả năm là 25%) với đóng góp từ tín dụng bán lẻ và SME tăng dần. Tăng trưởng tín dụng bán lẻ đã cải thiện tronng tháng 4 và tháng 5.
- Tăng trưởng huy động mạnh mẽ trong quý 1/2025 (tiền gửi khách hàng tăng 14% QoQ, giấy tờ có giá trị tăng 18% QoQ) chủ yếu được thúc đẩy bởi khách hàng bán lẻ. Các lý do chính bao gồm (1) nhiều chiến dịch thu hút tiền gửi từ khách hàng phân khúc cao cấp, (2) ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mới “Lộc Phát Thịnh Vượng” vào tháng 3 và (3) tiền gửi FDI. Việc ra mắt sản phẩm CASA tự động “Siêu Sinh Lời” vào tháng 3 đã bổ sung 4,2 nghìn tỷ đồng CASA cho ngân hàng.
- NIM: áp lực giảm trong các quý tới do chi phí huy động cao hơn và lãi suất cho vay cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tăng cường đóng góp từ bán lẻ trong khi cải thiện thu hồi nợ sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực.
- Chất lượng tài sản: nợ xấu tăng so với quý trước nhưng vẫn phù hợp với kỳ vọng của ngân hàng do kỳ nghỉ Tết (làm chậm thu hồi nợ), Thông tư 02 hết hiệu lực và sự phục hồi chậm của ngành bất động sản. Các nỗ lực thu hồi và xử lý nợ được tăng cường, bao gồm việc áp dụng AI và cải cách chính sách, dẫn đến việc thu hồi nợ xấu tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu có thể biến động trong bối cảnh có nhiều sự bất định về thuế quan nhưng vẫn trong tầm kiểm soát khi nền kinh tế đang phục hồi (đặc biệt là ngành bất động sản).
- Các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02 & 06 đạt 4,4 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2025 (có thể chỉ là số liệu của ngân hàng mẹ; chiếm khoảng 1% tổng dư nợ hợp nhất) với 92% danh mục duy trì thanh toán bình thường.
3. FE Credit:
- Được Moody's nâng triển vọng từ tiêu cực lên ổn định trong quý 1/2025; thiết lập quan hệ đối tác sâu rộng với MWG.
- Giải ngân quý 1/2025 tăng 17% YoY, với kỳ vọng tiếp tục đà tăng trong các quý còn lại.
- Khoảng 40–45% khách hàng của FEC là công nhân, khiến FEC dễ bị ảnh hưởng hơn giữa những bất ổn về thuế quan; tuy nhiên, việc thu hồi nợ xấu diễn ra tốt, và việc hợp pháp hóa Nghị định 42 dự kiến sẽ hỗ trợ cả ngành ngân hàng và ngành tài chính tiêu dùng.
4. GPBank (kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng):
- VPB đã đặt ra chiến lược 10 năm cho GPBank tập trung vào việc tận dụng hệ sinh thái và nguồn nhân lực của VPB để tối ưu hóa chi phí cũng như hiệu suất hoạt động.
- Nhân sự chủ chốt đã tham gia hội đồng quản trị của GPBank, và một lộ trình chiến lược chi tiết để hỗ trợ thiết lập hoạt động của GPBank cũng như thúc đẩy khả năng tăng trưởng tại ngân hàng dự kiến sẽ được đưa ra trong quý 2-3/2025.
- Trong quý 1/2025, tăng trưởng tín dụng của VPB trước khi chuyển khoản vay sang GPBank là 8,4% (so với mức 6% sau khi chuyển). Hiện ngân hàng chưa chia sẻ thêm thông tin nhưng chúng tôi cho rằng nhiều khả năng dư nợ cho vay của GPBank sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng tại ngân hàng trong quý tới thay vì mua nợ từ VPB.
- Trước khi được VPB nhận chuyển giao, GPBank lỗ khoảng 1 nghìn tỷ đồng mỗi năm. VPB kỳ vọng GPBank sẽ ghi nhận lợi nhuận đạt tối thiểu 500 tỷ đồng trong năm nay.
- Mặc dù đủ điều kiện để nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%, VPB chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện điều này trong ngắn hạn.
Powered by Froala Editor