- 2025-05-19T00:00:00
- Phân tích doanh nghiệp
- Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ NĐT của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) vào ngày 16/5/2025. Nhìn chung, PVS đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2025 với doanh thu giảm 5% YoY và LNTT giảm 36% YoY. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tự tin đạt mức tăng trưởng doanh thu 25% YoY, dựa trên KQKD quý 1 tích cực và tiến độ thực hiện dự án đang diễn ra. Mặc dù giá dầu có thể vẫn còn nhiều biến động và những bất ổn theo chính sách của Tổng thống Trump, PVS cho biết HĐKD của công ty vẫn duy trì khả quan với lượng backlog Cơ khí & Xây dựng (M&C) đáng kể trị giá 3 tỷ USD cho dự án Lô B và điện gió ngoài khơi, đảm bảo khối lượng công việc ổn định ít nhất đến cuối năm 2028. Tổng Giám đốc cũng kỳ vọng khoảng 500 triệu USD hợp đồng ký mới hàng năm cho mảng điện gió ngoài khơi ở nước ngoài từ châu Á và châu Âu. Bên cạnh đó, tăng trưởng của PVS sau năm 2030 bao gồm: khối lượng công việc mới từ dự án điện hạt nhân của Việt Nam cũng như dự án trang trại gió để xuất khẩu điện sang Singapore & Malaysia.
- Quan điểm của chúng tôi: Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận năm 2025 của chúng tôi tôi cho PVS do chúng tôi đã đưa dự báo khoản dự phòng 250 tỷ đồng bổ sung cho chi phí thuê đất cảng Sao Mai Bến Đình (công ty con mà PVS sở hữu 51%). Về dài hạn, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo biên lợi nhuận do: 1) biên lợi nhuận mảng M&C có khả năng thấp hơn một chút so với dự kiến do tổng chi phí đầu tư XDCB cao hơn dự kiến 57%; 2) Giá ngày thuê/doanh thu FSO Lô B thấp hơn một chút so với dự kiến. Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA cho PVS.
1. Kế hoạch năm 2025. PVS đưa ra kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu 22,5 nghìn tỷ đồng (+45% so với kế hoạch năm 2024; -5% so với kết quả năm 2024; 64% dự báo năm 2025 của chúng tôi) và LNTT 1,0 nghìn tỷ đồng (+17% so với kế hoạch năm 2024; -36% so với kết quả năm 2024; 78% dự báo năm 2025 của chúng tôi). Ban lãnh đạo vẫn tự tin vượt mục tiêu này, dựa trên kết quả doanh thu quý 1/2025 tăng mạnh, đạt 6 nghìn tỷ đồng (+62% YoY) bất chấp hoạt động thấp do tính chất mùa vụ. PVS đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu cả năm là 25% YoY, tương đương doanh thu 30 nghìn tỷ đồng (85% dự báo năm 2025 của chúng tôi). Trong các năm qua, PVS đã vượt kế hoạch, với doanh thu và lợi nhuận thực tế vượt mục tiêu trung bình lần lượt 55% và 85% trong giai đoạn 2022–2024.
2. Tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức bằng cổ phiếu, phù hợp với dự báo của chúng tôi: PVS có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 7% thông qua cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:7 cho lợi nhuận năm 2024 (so với cổ tức tiền mặt 700 đồng/cổ phiếu được đề xuất tại ĐHCĐ năm 2024; dự phóng của chúng tôi không bao gồm cổ tức tiền mặt). Sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của PVS sẽ đạt 5.144 tỷ đồng.
3. PVS vẫn là một lựa chọn phòng thủ trong bối cảnh giá dầu biến động và các rủi ro chính sách tiềm ẩn từ chính quyền của Tổng thống Trump. Công ty vẫn tự tin vào lượng backlog đã đảm bảo, dự kiến sẽ hỗ trợ khối lượng công việc ổn định ít nhất đến năm 2028.
- Thuế đối ứng của Mỹ có tác động tối thiểu do PVS không có hoạt động kinh doanh trực tiếp với thị trường Mỹ. PVS vẫn tự tin vào lượng backlog đã đảm bảo, dự kiến sẽ hỗ trợ khối lượng công việc ổn định ít nhất đến năm 2028.
- Trong thị trường điện gió ngoài khơi ở nước ngoài, PVS tin rằng điện gió ngoài khơi vẫn là một xu hướng dài hạn và tất yếu, bất chấp lập trường ủng hộ nhiên liệu hóa thạch của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sự chậm trễ dự án trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra. Ví dụ, hai gói thầu điện gió ngoài khơi ở California và một gói khác ở châu Âu mà PVS tham gia đấu thầu đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, PVS đặt mục tiêu giành được tới 500 triệu USD hợp đồng điện gió ngoài khơi mỗi năm, tương đương 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030, cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 1 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030.
- Ở thị trường trong nước, chúng tôi nhận thấy rủi ro đối với dự báo của chúng tôi khi hiện tại chúng tôi dự phóng PVS sẽ giành được 1 tỷ USD hợp đồng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vào năm 2030, nhưng dự kiến thời gian có thể bị lùi lại một đến hai năm.
- Nhìn chung, tiềm năng tăng trưởng từ các dự án nước ngoài mạnh hơn dự kiến có thể bù đắp cho sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án trong nước.
4. Chính sách kế toán về biên lợi nhuận M&C nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi nhưng chi phí đầu tư XDCB cao hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực nhẹ đối với biên lợi nhuận: PVS có kế hoạch tiếp tục ghi nhận chi phí thay vì khấu hao tài sản cố định cho việc mở rộng cơ sở vật chất cho đến năm 2027. PVS kỳ vọng biên lợi nhuận của mảng điện gió ngoài khơi sẽ tương đương với biên lợi nhuận mảng dầu khí. Ngoài ra, PVS đã nâng kế hoạch chi phí đầu tư XDCB giai đoạn 2026-2030 lên 15,5 nghìn tỷ đồng (tăng 57% so với kế hoạch 9,8 nghìn tỷ đồng được công bố tại ĐHCĐ năm 2024). Phân bổ theo kế hoạch mới bao gồm 6,8 nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng M&C, 3,3 nghìn tỷ đồng cho mở rộng căn cứ cảng dịch vụ, 4,8 nghìn tỷ đồng cho đầu tư tàu và 0,6 nghìn tỷ đồng cho các hạng mục khác.
5. PVS đã giành được hợp đồng cung cấp FSO cho dự án Lô B. Công ty sẽ trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ sắp tới vào ngày 29/5/2025. Dự án sẽ được thực hiện thông qua PTSC South East Asia Pte. Ltd., một liên doanh giữa PVS (51%) và Yinson (49%). PVS cho biết FSO Lô B có quy mô tương tự FSO Biển Đông, với sức chứa 350.000 thùng. Thời hạn thuê bao gồm 14 năm cố định, có thể gia hạn thêm 9 năm. Giá trị hợp đồng ước tính (chưa bao gồm thuế GTGT) trên 480 triệu USD cho 14 năm đầu (tương đương 94% dự phóng doanh thu 14 năm của chúng tôi cho FSO này). PVS kỳ vọng việc xây dựng FSO sẽ hoàn thành vào quý 4/2027. PVS đặt mục tiêu dự án mang lại tỷ lệ lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 10%. Chúng tôi dự phóng tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 14% và dự báo FSO này sẽ đóng góp 79 tỷ đồng vào LNST sau lợi ích CĐTS của PVS trong giai đoạn 2025–2029 (chiếm 4,9% LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo của PVS trong cùng kỳ).
6. Giới thiệu các động lực tăng trưởng dài hạn mới: Điện hạt nhân và Thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCUS).
- Dịch vụ điện hạt nhân: Phù hợp với tầm nhìn năng lượng của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ định PetroVietnam (PVN) là một trong hai nhà đầu tư chính trong các dự án điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Là công ty con của PVN, PVS đặt mục tiêu đóng góp ít nhất 50% các phần công việc nội địa hoá tại Việt Nam. Đây là một lĩnh vực kinh doanh mới quan trọng và tận dụng năng lực tổng hợp của tập đoàn.
- Dịch vụ Dầu khí và LNG: Công ty cam kết duy trì và mở rộng phân khúc này đồng thời khám phá các cơ hội mới nổi như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Ban lãnh đạo đánh giá CCUS là một yếu tố thay đổi cục diện cho các dịch vụ năng lượng bền vững và kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chủ chốt.
7. Vai trò của PVS chủ yếu sẽ là nhà thầu trong dự án xuất khẩu điện sang Singapore. Ban lãnh đạo nhắc lại rằng đây là một dự án có chi phí đầu tư cao và PVS dự định tham gia chủ yếu với vai trò nhà thầu. Bất kỳ quyết định nào về việc đảm nhận vai trò nhà đầu tư/phát triển sẽ phụ thuộc vào triển vọng lợi nhuận của dự án. Công ty cũng lưu ý khả năng mở rộng dự án để bao gồm xuất khẩu điện sang Malaysia.
8. Chi phí thuê đất liên quan đến Sao Mai Bến Đình (PSB: UPCoM; công ty con mà PVS sở hữu 51%). Theo PVS, chi phí này về cơ bản phản ánh các khoản thanh toán tiền thuê đất hồi tố cho phần đất đã được sử dụng miễn phí trong nhiều năm.
- Tổng số tiền có nghĩa vụ nợ ước tính là 676 tỷ đồng, bao gồm 157 tỷ đồng cho Giai đoạn 1 (2008–2015) và 519 tỷ đồng cho Giai đoạn 2 (2018–2024). Đối với Giai đoạn 1, PSB hiện đang làm việc với cơ quan chức năng để xác định chính xác diện tích đất sử dụng thực tế. Đối với Giai đoạn 2, PSB đang đề xuất miễn tiền thuê đất trong vòng 14 năm bằng cách đề xuất công nhận dự án Cảng Sao Mai – Bến Đình là dự án cảng biển thuộc danh mục dự án đầu tư đặc biệt ưu đãi theo quy định tại Nghị định 118/2015, với lý do giấy phép đầu tư ban đầu không quy định chức năng căn cứ cảng dịch vụ.
- PVS đã trích lập dự phòng 252 tỷ đồng trong năm 2024 và chúng tôi dự báo thêm khoản dự phòng 250 tỷ đồng trong năm 2025.
- Theo PVS, PSB chỉ trực tiếp sử dụng 23,5% tổng diện tích thuê. Phần còn lại được chia sẻ với (1) PTSC Shipyard (PVY: UPCoM, PVS sở hữu 28,75%), sử dụng 48,4% và (2) PXS (UPCoM, không thuộc sở hữu của PVS), sử dụng 28,1%. Về nguyên tắc, PSB sẽ thanh toán toàn bộ tiền thuê đất trước và sau đó thu hồi các phần tương ứng từ PVY và PXS dựa trên diện tích đất các công ty này đã sử dụng.
- Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng dự kiến vào cuối tháng 5, chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo của chúng tôi.
Powered by Froala Editor