HDB - Mục tiêu tăng trưởng cao và cải thiện chất lượng tài sản; NIM chịu áp lực giảm - Báo cáo Gặp gỡ NĐT
  • 2025-05-14T00:00:00
  • Phân tích doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB) đã tổ chức buổi họp gặp gỡ NĐT vào ngày 14/5. Nhìn chung, lợi nhuận quý 1 của ngân hàng vượt kỳ vọng của chúng tôi, được hỗ trợ bởi (1) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng trưởng mạnh hơn đáng kể so với dự kiến (nhờ thu nhập từ phí và khả năng thu hồi nợ xấu tốt) và (2) tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, chất lượng tài sản giảm so với quý trước, với nợ nhóm 2 vẫn ở mức cao so với các ngân hàng khác và bộ đệm dự phòng thấp cho thấy chi phí tín dụng có khả năng cao hơn trong các quý tới. Chúng tôi nhận thấy HDB khá tự tin trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 và cải thiện chất lượng tài sản trong thời gian còn lại của năm.

Một số ghi nhận chính từ cuộc họp như sau:

1. Tóm tắt kết quả tài chính:

- NIM: NIM trượt 12 tháng tính đến quý 1/2025 là 5,4% (-20 điểm cơ bản QoQ) chủ yếu do cạnh tranh lãi suất cho vay gia tăng và hỗ trợ khách hàng cũng như tỷ lệ CASA giảm so với quý trước (ngân hàng đã bổ nhiệm một vị trí cấp cao chuyên về tăng cường huy động CASA để tăng hiệu suất). Mặc dù HDB có kế hoạch tập trung hơn vào các khách hàng lớn, có khả năng phục hồi tốt hoặc liên quan đến các dự án đầu tư công – phân khúc khách hàng này có thể phải đối mặt với cạnh tranh cao hơn về lãi suất cho vay - có khả năng ảnh hưởng đến NIM trong năm 2025, nhưng ngân hàng kỳ vọng vẫn có thể quản lý NIM năm 2025 ở mức 5,0%.

- Tăng trưởng tín dụng: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 32% trong năm 2025 (sau khi bán nợ cho Vikki) được hỗ trợ bởi tài trợ chuỗi cung ứng nông nghiệp và thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi. Nhu cầu tín dụng bán lẻ dự kiến sẽ cải thiện trong suốt năm 2025. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 được thúc đẩy bởi phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Cơ cấu dư nợ cho vay quý 1/2025 bao gồm 33% hộ gia đình và tiêu dùng; 19% kinh doanh bất động sản; 15% bán buôn & bán lẻ, dịch vụ ô tô; 10% xây dựng; 5% chế biến công nghiệp và 18% từ các mảng khác.

- Động lực NOII: Dịch vụ tư vấn đầu tư, bancassurance tăng về phía cuối năm, top 5 về khối lượng giao dịch ngoại hối (dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện).

- CIR: CIR thấp ở mức 27,5% trong quý 1/2025, sẽ tăng theo tính chất mùa vụ vào thời điểm cuối năm nhưng phấn đấu mục tiêu cả năm <35%.

- Chất lượng tài sản: Phần lớn nợ xấu là các khoản vay bán lẻ và tác động của việc phân loại lại theo CIC đối với tỷ lệ nợ xấu là 40 điểm cơ bản trong quý 1/2025. Nợ nhóm 2 chủ yếu bao gồm các khoản vay liên quan đến bất động sản và bán buôn & bán lẻ (dự kiến sẽ cải thiện trong các quý tới). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) dự kiến cải thiện lên 70%-80% vào cuối năm 2025 (so với 53% trong quý 1/2025). Việc luật hóa Nghị quyết 42 tại kỳ họp Quốc hội này cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng.

- Vốn và thanh khoản: Hệ số an toàn vốn (CAR) quý 1/2025 ở mức 14,3% và tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi (LDR) ở mức 71,0% cho thấy dư địa để tối ưu NIM.

 2. Các công ty con:

- HD SAISON: Báo cáo tăng trưởng cho vay 0,8% QoQ trong quý 1 2025do yếu tố mùa vụ. Duy trì vị thế thị trường mạnh mẽ với 9% thị phần và ROE 22% trong quý 1/2025. HDS có thương hiệu mạnh và lợi thế tiên phong trong việc xây dựng mạng lưới.

- Ngân hàng số Vikki (trước đây là Ngân hàng Đông Á): Ngân hàng số hướng đến khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa & nhỏ (SME) và hoạt động độc lập với HDB; HDB đủ điều kiện để tăng FOL lên đến 49% (chưa có kế hoạch điều chỉnh trong ngắn hạn; nhận được sự quan tâm tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài).

 3. Các vấn đề khác:

- HDB dự kiến hoàn thành áp dụng hệ thống core banking mới (Vault Core của Thought Machine) vào quý 2/2025, hiện chưa có ngân hàng nào khác ở Việt Nam sử dụng hệ thống này.

- Ngân hàng kỳ vọng đàm phán thuế quan, các gói tín dụng kích thích của NHNN (HDB đăng ký 20 nghìn tỷ đồng) cùng với lãi suất thấp, mở rộng đầu tư công và chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW) sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và từ đó mang lại lợi ích cho ngành ngân hàng.

- Thay đổi nhân sự chủ chốt:

+ HĐQT đã bổ nhiệm ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên HĐQT, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022–2027. Theo đó, ông Thanh rời vị trí Quyền Tổng Giám đốc để tập trung cho cương vị mới.

+ Ông Nguyễn Hữu Đặng sẽ trở lại giữ chức Tổng Giám đốc, có hiệu lực từ tháng 5/2025. Đáng chú ý, ông Đặng đã rời HDB vào tháng 12/2024 và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng số Vikki (trước đây là Ngân hàng Đông Á) vào tháng 1/2025. Ông có gần 30 năm kinh nghiệm tại HDB, bao gồm giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc từ 2010 đến 2020. Do đó, Ông Phạm Văn Đẩu – Giám đốc Tài chính hiện tại của HDB (từ năm 2009) – sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Vikki.

+ Ngân hàng cho biết việc thay đổi nhân sự lần này là một phần trong kế hoạch triển khai mô hình Tập đoàn Tài chính HD theo chiến lược giai đoạn 2025–2030. Chúng tôi cho rằng thay đổi nhân sự này có thể giúp tối ưu hóa chiến lược tăng trưởng của tập đoàn, nhưng vẫn duy trì trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu Vikki. Cả ông Đặng và ông Đẩu đều có nhiều năm kinh nghiệm điều hành cấp cao tại HDB và từng đóng vai trò quan trọng trong thương vụ sáp nhập thành công với Ngân hàng Đại Á năm 2013.

Powered by Froala Editor