Việt Nam trước nguy cơ thương chiến Mỹ - Trung: Củng cố nội lực quốc gia là yếu tố then chốt - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-17 08:51:00
- OTHER
Trước những biến động khó lường từ nguy cơ thương chiến Mỹ , giới chuyên gia nhấn mạnh củng cố nội lực quốc gia là yếu tố then chốt, vừa giúp Việt Nam nâng cao sức chống chịu, vừa tăng khả năng tận dụng cơ hội phát triển.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Asia Times Files / iStock
Trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo dấu ấn với nền kinh tế thế giới khi liên tục công bố chính sách thuế quan mới với các đối tác thương mại.
Đầu tháng 2/2025, Mỹ công bố áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada từ ngày 4/2/2025 (sau đó đã đàm phán, tạm hoãn 30 ngày) và thuế tăng thêm 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 4/2/2025).
Tiếp đến Mỹ công bố kế hoạch áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ các nước nhằm tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ (ngày 7/2), áp thuế mức 25% với thép và nhôm áp dụng đối với tất cả các nước (trừ Úc) từ ngày 4/3/2025. Đặc biệt, đó còn là kế hoạch Thương mại công bằng và đối ứng trong quan hệ thương mại dự kiến hoàn tất trước ngày 1/4/2025, điều khiến giới phân tích trong nước tỏ ra lo ngại.
Trích một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect: Nhà đầu tư nên thận trọng vào giai đoạn cuối tháng này khi các rủi ro bên ngoài gia tăng, đặc biệt là liên quan tới việc Mỹ áp thuế đối kháng đối với các đối tác thương mại, có thể bao gồm cả Việt Nam, dự kiến được công bố vào thời điểm đầu tháng 4/2025.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cảnh báo nếu Mỹ áp thuế với các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, hệ quả không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp trong nước mà còn tác động mạnh đến các doanh nghiệp FDI.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại các chính sách thuế của Mỹ sẽ gây ra những tác động lên kinh tế Việt Nam từ xuất khẩu, chuỗi cung ứng đến thu hút nguồn vốn FDI… và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.
Cơ hội và rủi ro song hành
Phân tích tác động của các chính sách thuế do Tổng thống Trump phát động, các chuyên gia và giới phân tích đều nhận định với Việt Nam, đây là cơ hội và thách thức song hành với nhau.
Báo cáo nghiên cứu của PGS.TS Đoàn Ngọc Thắng – NCS Đỗ Phú Đông chỉ ra khi Mỹ áp thuế suất nhập khẩu cao đối với mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ là thị trường mà các doanh nghiệp Mỹ chủ động tìm kiếm nhằm giảm giá nhập khẩu. Do đó, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sau châu Mỹ, đặc biệt là với các mặt hàng thế mạnh như dệt may, điện tử, và đồ gỗ.
Một số mặt hàng của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường sang Châu Mỹ. Ảnh: Báo Chính phủ.
Bên cạnh đó, với xu hướng chuyển dịch sản xuất nhằm tránh thuế quan nhập khẩu, Việt Nam sẽ là điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp đến từ cả hai quốc gia và các quốc gia thứ ba bị ảnh hưởng.
Điều này đã được minh chứng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chiến này khi nhiều doanh nghiệp đã chuyển nhà máy sang Việt Nam, từ đó gián tiếp giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại với các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, và Mexico. Tuy nhiên, với phân tích từ Control Risks, khi các quốc gia phát triển thận trọng hơn với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể bị chững lại vào năm nay.
Song song với các tác động tích cực ngắn hạn mà nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng thông qua cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, vẫn còn rất nhiều thử thách và khó khăn mà doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam sẽ gặp phải một số rủi ro và thách thức chính như thương mại toàn cầu (nhất là tại các đối tác chính) tăng chậm lại, khiến mục tiêu xuất khẩu Việt Nam tăng trên 10% năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 trở nên khó khăn hơn.
Cùng với đó là một loạt rủi ro như: Chi phí logistics (do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng) và chi phí đầu vào tăng (do giá nguyên vật liệu, tỷ giá tăng) khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm; rủi ro điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại, điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả của các doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến chuỗi cung ứng), bảo hộ thương mại…, nhất là từ phía Mỹ sẽ gia tăng (thực tế đã tăng khá nhanh từ năm 2018 đến nay); khả năng bị áp thuế cao hơn hay bị gán mác là thao túng tiền tệ (như đã từng xảy ra năm 2020) cũng có thể xảy ra.
Động lực đến từ nội tại
Chiều 8/3, chủ trì phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng, ứng xử kịp thời, phù hợp, linh hoạt, khả thi, hiệu quả với từng thị trường, nhất là trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách kinh tế, thuế quan của các nước.
Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã và đang có những bước đi tiếp cận năm 2025 hứa hẹn nhiều khó khăn. Trong đó, củng cố nội lực quốc gia được đánh giá là yếu tố then chốt.
TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng nội lực của nền kinh tế như sức đề kháng của con người trước bệnh tật. Một nền kinh tế vững mạnh từ bên trong sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời gia tăng khả năng tận dụng cơ hội và nâng cao sức chống chịu.
Điều này đã được thể hiện qua quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 36 tỷ USD, kết hợp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư…
Củng cố nội lực quốc gia được đánh giá là yếu tố then chốt trước nguy cơ thương chiến. Ảnh: Báo Công thương.
Ở góc nhìn của mình, báo cáo của PGS.TS Đoàn Ngọc Thắng, NCS Đỗ Phú Đông khuyến nghị các cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và áp dụng hiệu quả các FTA để tận dụng các ưu đãi thuế quan và tiếp cận các thị trường tiềm năng.
Theo đó, với 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có thể né tránh được các công cụ thuế quan, từ đó thâm nhập vào các thị trường đã phát triển có tham gia vào cuộc chiến như Châu Âu, Canada, và Mexico. Đặc biệt, hiệp định ACFTA được ký kết giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc sẽ là công cụ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ thuế quan thấp khi xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.
Về dài hạn, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về Chống gian lận xuất xứ và chuyển tải, tránh để lại nghi ngờ đối với các cơ quan điều tra Mỹ. Không những thế, với tình hình biến chuyển tỷ giá nói riêng và tình hình kinh tế thế giới nói chung, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những kế hoạch phòng ngừa các rủi ro tỷ giá, rủi ro pháp lý, và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, tránh việc phụ thuộc vào hai quốc gia là Trung Quốc và Mỹ; cập nhật thường xuyên các quy định về thương mại, xuất xứ hàng hóa của các thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, với kịch bản về việc tỷ giá có thể biến động mạnh, doanh nghiệp Việt cần chủ động mở các tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn thay vì dựa hoàn toàn vào tài khoản thanh toán ngoại tệ nhằm phòng tránh rủi ro tỷ giá khi tỷ giá USD đang lên cao.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao khả năng sản xuất, nguồn nhân lực và chất lượng dây chuyền sản xuất để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với mức độ đóng góp giá trị gia tăng thấp, do quy mô nhỏ và khó khăn về tài chính cũng như công nghệ.
Sáng ngày 19/3 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn sẽ tổ chức Hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới”.
Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin thiết thực, những gợi mở mới mẻ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm dữ liệu khả tín và hữu ích trước khi ra quyết định; Đồng thời, cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến, đề xuất từ cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm góp phần đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự kiện được tường thuật trên các nền tảng của Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và chuyên trang tiếng Anh TheInvestor.vn.