Việt Nam - Hoa Kỳ kiên quyết ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-18 12:02:00
  • OTHER

Hải quan Hoa Kỳ cảnh báo tình trạng chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam để né thuế. Phía Việt Nam khẳng định, kiên quyết ngăn chặn và đã xử nghiêm.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250518/images/Resized_Image.jpg

Đoàn công tác Bộ Tài chính chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ Tài chính

Tăng cường kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn gian lận xuất xứ

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư SelectUSA tại Hoa Kỳ, đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) nhằm thúc đẩy hợp tác chống chuyển tải bất hợp pháp, chia sẻ dữ liệu điện tử và triển khai Sáng kiến An ninh Công-ten-nơ.

Tại buổi làm việc, Hải quan Hoa Kỳ giới thiệu với Hải quan Việt Nam về thẩm quyền của Hải quan Hoa Kỳ trong việc thực thi ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp. CBP có nhiệm vụ thực thi ngăn chặn hoạt động chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại.

CBP đã thực thi khoảng 736 vụ việc liên quan đến vấn đề chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa từ Trung Quốc và khoảng 30 vụ việc liên quan đến hàng hóa từ các nước vào Hoa Kỳ với tổng số 24 cuộc điều tra có liên quan. “Hoạt động chuyển tải bất hợp pháp sẽ gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp Hoa Kỳ và doanh nghiệp Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp mất lợi thế do mất đi môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng” đại diện CBP cho hay.

Thông tin về phương thức thực hiện hành vi chuyển tải của các nhà cung ứng hàng hóa tại Trung Quốc, CBP cho biết, các đối tượng này công khai quảng cáo trên mạng về hoạt động chuyển tải qua các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, hàng hóa được đưa vào công-ten-nơ đến các nước Đông Nam Á sau đó được chuyển sang công-ten-nơ khác để xuất đi Hoa Kỳ bằng cách sử dụng chứng từ/hồ sơ giả mạo xuất xứ của các nước trung chuyển.

Các công ty Trung Quốc thậm chí còn đưa ra những lời đề nghị tham gia hoạt động bất hợp pháp nhằm lẩn trốn thuế này bằng cách gửi email cho các công ty tại Hoa Kỳ. Khi hàng hóa được đưa vào Hoa Kỳ, sẽ có các công ty môi giới/trung gian thu xếp việc nhận hàng thông qua người nhận hàng cuối cùng, các khoản tiền/lợi nhuận thu được liên quan đến hoạt động bất hợp pháp này sẽ theo dòng ngược lại quay về với các nhà cung ứng hàng hóa tại Trung Quốc.

“CBP đã đưa ra cảnh báo trên website của CBP đối với các công ty Hoa Kỳ khi chấp nhận các lời đề nghị tham gia vào chuỗi hoạt động chuyển tải bất hợp pháp nêu trên từ các nhà cung ứng Trung Quốc là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ và sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Sung Huyn Ha cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề chuyển tải bất hợp pháp được CBP đưa ra, Phó Cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết, Hải quan Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Từ việc triển khai các kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro theo từng ngành hàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa: Thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định trọng điểm nhóm mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao đến việc thường xuyên rà soát các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bất thường so với năng lực, quy mô sản xuất thực tế để phối hợp kiểm tra.

Ở góc độ hợp tác với Hải quan Hoa Kỳ, nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại, trong khuôn khổ Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa hai nước, Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra xác minh các nghi vấn của Hải quan Hoa Kỳ liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế với tổng số khoảng hơn 35 vụ việc từ năm 2019 đến nay.

“Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam là kiên quyết ngăn chặn các hoạt động và hành vi lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước nhằm lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại”, Phó Cục trưởng Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Hải quan Việt Nam đã thông báo cho phía Hoa Kỳ kết quả điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, làm giả nhãn mác hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ từ năm 2020 -2024.

Về các giải pháp trong thời gian tới nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, ông Âu Anh Tuấn cho hay, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có định hướng ban hành kế hoạch tổng thể về sàng lọc và kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án tiềm ẩn rủi ro về hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, đầu tư nhà máy tại Việt Nam nhưng chỉ thực hiện các hoạt động gia công lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng thấp, không đáp ứng các tiêu chí xuất xứ để được công nhận là sản xuất tại Việt Nam.

Khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đảm bảo hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí xuất xứ, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu/hàng hóa trung gian từ nước thứ ba.

Chuẩn bị ký kết MOU về chia sẻ dữ liệu điện tử

Phía CBP nhấn mạnh mong muốn sớm ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong khuôn khổ Chương trình trao đổi dữ liệu điện tử với nước ngoài (FECDEP) trên cơ sở Tuyên bố Ý định đã ký trước đó. Theo CBP, chương trình FECDEP giúp xác định các lô hàng rủi ro cao thông qua việc chia sẻ dữ liệu manifest theo thời gian thực, đồng thời cho phép trao đổi thông tin hai chiều, mang lại lợi ích bảo mật và hiệu quả cho cả hai bên.

Hải quan Việt Nam cho biết, đã hoàn tất bước tham vấn nội bộ và đang rà soát nội dung pháp lý, kỹ thuật để tiến tới thống nhất ký kết. Hai bên đồng thuận tổ chức các cuộc họp kỹ thuật trực tuyến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 để làm rõ các vấn đề còn tồn tại, đảm bảo hoàn thiện thủ tục ký MOU trong thời gian sớm nhất.

Mở hướng hợp tác trong Sáng kiến An ninh Công-ten-nơ (CSI)

Một nội dung hợp tác khác được thảo luận là triển khai Sáng kiến An ninh Công-ten-nơ (CSI) - chương trình được Hoa Kỳ đưa ra từ năm 2002 nhằm ngăn chặn rủi ro an ninh từ xa. CBP giới thiệu ba mô hình đang áp dụng tại 69 cảng ở 36 quốc gia, gồm: mô hình truyền thống (CBP hiện diện tại cảng nước sở tại), mô hình từ xa (xử lý thông tin qua nền tảng số), và mô hình đầu mối liên lạc tại cảng.

Phía Việt Nam đánh giá cao sáng kiến này và cho biết hiện có hai cảng nước sâu là Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đang có tuyến tàu container trực tiếp đi Hoa Kỳ. Đây là điều kiện thuận lợi để xem xét triển khai CSI tại Việt Nam. Hải quan Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ các mô hình do CBP đề xuất để lựa chọn phương án phù hợp.

Việc tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan hải quan không chỉ nhằm kiểm soát tốt hơn các hành vi gian lận thương mại, mà còn góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp.

Lục Giang-Link gốc