Tự chặt tay chân, giết người... những vụ trục lợi bảo hiểm chấn động - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-04-09 05:51:00
  • OTHER

Tình trạng trục lợi bảo hiểm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, với kịch bản đa dạng, tinh vi. Nhiều vụ trục lợi bảo hiểm gây tổn hại niềm tin xã hội và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chân chính.

Những vụ trục lợi bảo hiểm gây chấn động dư luận

Trục lợi bảo hiểm (Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 ghi nhận tội danh này là gian lận trong kinh doanh bảo hiểm) là những hành vi có chủ ý nhằm thu lợi bất chính từ việc tham gia bảo hiểm. Các bên tham gia bảo hiểm thường đã có chủ ý thực hiện hành vi gian dối ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý ra họ không được hưởng.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, vấn đề trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng gần đây, các vụ trục lợi bảo hiểm có dấu hiệu tăng về số lượng và sự tinh vi trong thủ đoạn thực hiện.

Nhiều trường hợp còn sát hại người khác để được nhận tiền bảo hiểm nhân thọ.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) về hành vi giết con để trục lợi bảo hiểm nhân thọ. Theo cơ quan điều tra, khoảng 22h tối 2/1/2023, tại nhà của bà Na, cháu Nguyễn Văn H. (SN 2017, con ruột Na) tử vong ở nhà vệ sinh. Cảnh sát xác định đối tượng Na đã có hành vi sát hại cháu H., mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.

Hiện trường đối tượng D.V.M đốt xe giả vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Vụ trục lợi bảo hiểm vào năm 2020 của D.V.M ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cũng gây xôn xao. Do nợ hơn 20 tỷ đồng nên đối tượng này mua bảo hiểm nhân thọ rồi giết người để tạo hiện trường giả về cái chết của mình, nhằm trục lợi 18 tỷ đồng từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Âm mưu này thất bại và Minh bị bắt, tuyên án tử hình.

Một vụ án khác liên quan đến số tiền bảo hiểm chi trả cho người đã mất. Năm 2024, Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, trú Đồng Nai) bị cáo buộc sát hại những người thân trong gia đình và sau đó nhận 800 triệu đồng tiền bảo hiểm.

Vụ L.T.N. (Hà Nội) vào năm 2016. đã tự chặt một phần bàn tay và chân để tạo hiện trường giả một vụ tai nạn, nhằm trục lợi 3,5 tỷ đồng bảo hiểm cũng gây chấn động. Âm mưu không thành, N. phải chịu thương tật trọn đời.

Vụ việc tai nạn cụt ngón tay cái tại miền Nam vào 2017 - 2018 cũng gây xôn xao. Theo đó, nhiều người khai bị thương khi làm việc nhưng thực chất đã mua nhiều hợp đồng bảo hiểm tại các công ty khác nhau trong thời gian ngắn. Tuy không thể kết luận họ tự gây thương tích, nhưng các vụ việc này đã giảm dần sau khi các công ty bảo hiểm điều tra và phát hiện sự gian dối trong khai báo.

Hành vi trục lợi bảo hiểm hiện không dừng lại ở chỗ toan tính của một cá nhân mà còn có sự tham gia của nhiều người, thậm chí cả một đường dây cấu kết phân công chặt chẽ để dễ dàng qua mặt các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có sự dàn dựng, tiếp tay của nhân viên y tế.

Mới đây, ngày 23/8/2024, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm” từ năm 2019 nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm lên đến hàng chục tỷ đồng. Kết quả, ông Nguyễn Văn Khánh, bà Vũ Thị Ngọc Hà, bà Phan Thị Trang và ông Lê Đức Phong bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Nghệ An đã khởi tố vụ án gian lận bảo hiểm y tế tại một số cơ sở y tế, trong đó có nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh và Trung tâm Y tế Tân Kỳ. Các đối tượng đã làm giả hàng trăm bệnh án gãy xương để yêu cầu bảo hiểm chi trả, chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Thái Nguyên khởi tố 9 đối tượng liên quan đến việc làm giả chứng từ y tế để yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm sức khỏe. Các đối tượng này đã chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng bằng cách sử dụng giấy tờ tùy thân của người thân và làm giả hồ sơ bệnh án.

Những kịch bản trục lợi bảo hiểm tinh vi

Các doanh nghiệp bảo hiểm cho hay tình trạng trục lợi bảo hiểm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, với kịch bản đa dạng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào hai tình huống là bị bỏng và gãy xương.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tùy vào từng sản phẩm bảo hiểm và nguyên tắc giải quyết quyền lợi của từng công ty bảo hiểm, các đối tượng lập hồ sơ y tế với các nhóm bệnh khác nhau, phổ biến là: nhóm bệnh có tỷ lệ chi trả quyền lợi cao như bỏng, gãy xương, nội soi thanh quản/dạ dày; nhóm bệnh thông thường điều trị nội trú dài ngày như ngộ độc, viêm ruột, đau/loét dạ dày....

Chỉ riêng trong tình huống bị bỏng, có rất nhiều kịch bản được dựng lên, từ vụng về đến tinh vi nhằm qua mặt doanh nghiệp bảo hiểm.

Một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết đã phát hiện một số khách hàng có dấu hiệu trục lợi. Các khách hàng này thường mua hợp đồng bảo hiểm tập trung vào quyền lợi tai nạn có mệnh giá lớn, dù họ không làm các ngành nghề nguy hiểm. Họ còn mua cùng lúc các hợp đồng bảo hiểm của nhiều công ty khác nhau với quyền lợi tương đồng.

Điều trùng hợp là các khách hàng trong nhóm này đồng loạt bị... gãy xương hoặc bị bỏng chỉ vài tháng sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.

Không chỉ trục lợi bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế mà tình trạng trục lợi diễn ra cả đối với bảo hiểm nông nghiệp, đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không mấy mặn mà trong việc triển khai loại hình bảo hiểm này.

Trục lợi bảo hiểm gây tổn hại niềm tin xã hội và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chân chính.

Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm cần có quy trình thẩm định và giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu gian lận và có biện pháp xử lý. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của công chúng về bảo hiểm.

TS Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, ngoài quy định pháp luật, cần có một hệ thống giải pháp mạnh mẽ để phòng chống trục lợi bảo hiểm. Để ngăn chặn trục lợi, các doanh nghiệp phải đầu tư vào công tác giám sát và kiểm tra, sử dụng công nghệ và tăng cường quy trình kiểm soát nội bộ.

Theo TS. Lê Đạt Chí, nguyên nhân của trục lợi là do số tiền có thể thu được quá lớn khiến nhiều người tham gia bất chấp hậu quả. Họ có tâm lý được thì tốt, không được thì thôi, dẫn đến tình trạng trục lợi gia tăng. Nhưng những người tham gia bảo hiểm với mục đích trục lợi thường không lường trước được các hậu quả pháp lý, như thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, phải hoàn trả toàn bộ số tiền trục lợi cho công ty bảo hiểm, chịu phạt tiền, truy tố hình sự và án tù nghiêm khắc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn làm tổn hại đến uy tín và danh dự của gia đình.

Theo các chuyên gia, nạn trục lợi bảo hiểm gia tăng nếu không có biện pháp ngăn chặn phòng ngừa hiệu quả sẽ khiến các thống kê và giả định sử dụng để tính toán phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không phản ánh sát với thực tế, doanh nghiệp định phí bảo hiểm cao hơn ảnh hưởng đến quyền lợi của những người mua bảo hiểm chân chính. Mặt khác, vấn nạn trục lợi bảo hiểm cũng khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc thẩm định hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm, từ đó thời gian giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm có thể kéo dài hơn, ảnh hưởng đến khách hàng.

Để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp bảo hiểm để ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi của tất cả người tham gia bảo hiểm chân chính.

Minh Anh

Link gốc