Trước sáp nhập, bức tranh kinh tế của Quảng Nam và Đà Nẵng ra sao? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-04-01 21:53:00
- OTHER
Đà Nẵng và Quảng Nam là những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong những năm qua. Đến nay, Quảng Nam thu hút 201 dự án FDI với 6,36 tỷ USD; còn Đà Nẵng là 1.021 dự án với hơn 4,573 tỷ USD.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ở Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin, sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng. Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương.
Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới, cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao…
Vậy, trước khi về chung một nhà, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng có bức tranh kinh tế như thế nào trong năm 2024?
Về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024, Quảng Nam ước tính tăng 7,1% (năm 2023 âm 8,37%), xếp vị trí 25/63 địa phương trên cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng gần 16.500 tỷ đồng so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023.
Còn GRDP của TP. Đà Nẵng ước tăng 7,51%, cao hơn mức tăng 2,01% của năm 2023; xếp thứ 29/63 địa phương trên cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 118,6 triệu đồng/người, tăng 4,95% so với năm 2023.
Năm 2024, GRDP của Quảng Nam ước tính tăng 7,1%. Ảnh: T.V.
Thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam năm 2024 đạt 27.594 tỷ đồng, đạt 116,92% dự toán và tăng 10,09% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu ngân sách của Đà Nẵng năm vừa qua là 27.285 tỷ đồng, đạt 141,2% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Cả hai địa phương đều là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch của Quảng Nam đạt 8,02 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng.
Còn Đà Nẵng, năm 2024, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 10,9 triệu lượt, tăng 32,8% so với năm 2023; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2023.
Năm 2024, GRDP của TP. Đà Nẵng ước tăng 7,51%. Ảnh: X.S.
Về thu hút đầu tư, năm 2024 tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 4.915 tỷ đồng và 10 dự án FDI với vốn đăng ký 135 triệu USD. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 1.157 dự án đầu tư trong nước với trên 227.000 tỷ đồng và 201 dự án FDI với 6,36 tỷ USD.
Tại Đà Nẵng, năm 2024 thành phố đã cấp mới 19 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư là 75.076 tỷ đồng, tăng 35,4%. Lũy kế đến nay thành phố đã cấp phép 383 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 271.802 tỷ đồng. Đà Nẵng thu hút được hơn 233 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm này. Lũy kế đến nay Đà Nẵng có 1.021 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,573 tỷ USD.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, từ một nền kinh tế chủ yếu thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói nghèo; công nghiệp và du lịch hầu như chưa có gì đáng kể; thu ngân sách chỉ hơn 150 tỷ đồng trong năm đầu tái lập tỉnh (1997), Quảng Nam đã liên tục vươn lên với những bước phát triển đầy ấn tượng.
Đến nay, Quảng Nam có 201 dự án FDI với 6,36 tỷ USD. Ảnh: T.V.
Từ năm 2017, Quảng Nam chính thức điều tiết nguồn thu nội địa về Trung ương. Năm 2024 vừa qua, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt hơn 27.600 tỷ đồng (gấp 217 lần năm 1997), quy mô kinh tế hơn 129.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ...
Đặc biệt, từ một tỉnh thuần nông, đến nay Quảng Nam đã có Khu kinh tế mở Chu Lai với trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước; có sân bay Chu Lai đã đi vào hoạt động hiệu quả và được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có cảng biển được qui hoạch loại 1 đón được tàu 5 vạn tấn.
Toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp đang hoạt động với nhiều nhà đầu tư lớn, giải quyết hơn 113 ngàn lao động. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, gồm sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, có cửa khẩu quốc tế kết nối liên vùng.
Ngoài ra, du lịch - dịch vụ phát triển nhanh, Hội An trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước và có thương hiệu điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới; Phong trào khởi nghiệp, sáng tạo lan tỏa rộng khắp…
Kinh tế số đã đóng góp 24,7% trong tổng sản phẩm xã hội TP. Đà Nẵng. Ảnh: T.V.
Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt hơn 9%/năm; so với năm 1997, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần.
Nét nổi bật nhất của thành phố là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước.
Cùng với đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; khu vực dịch vụ dẫn đầu cả nước về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, kinh tế số đã đóng góp 24,7% trong tổng sản phẩm xã hội thành phố.
Ngoài ra, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nên thương hiệu có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế. Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Quảng Nam có diện tích 10.574km2, dân số hơn 1,5 triệu người với 17 đơn vị hành chính cấp huyện; 233 xã, phường, thị trấn.
Còn Đà Nẵng có diện tích khoảng 1.285 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã.