Trải thảm đón đại bàng xây tổ - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-01-29 16:03:00
- OTHER
Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang đón sóng đầu tư công nghệ cao, nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, kinh tế số.
Việt Nam đang nỗ lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để đón sóng đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trần An
Việt Nam sẽ là trung tâm ngành thiết bị bán dẫn
Doanh nhân Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch GLE Group - chia sẻ với Lao Động, lĩnh vực công nghệ cao đang kích thích sự tò mò, khát vọng dấn thân thử sức của nhiều doanh nhân trẻ, đặc biệt là ngành bán dẫn – lĩnh vực với những tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức đan xen.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Hiện đã có rất nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư, trong đó Intel đã đầu tư hàng tỉ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại TPHCM. Samsung đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. FPT, Viettel… đã và đang triển khai mạnh mẽ các dự án để phát triển ngành bán dẫn nội địa. Điều này kích thích khát vọng chinh phục của các doanh nhân, trong đó có cá nhân tôi” – ông Vũ Tuấn Anh phấn khởi bày tỏ.
Năm 2024, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã chính thức đưa ngành Công nghệ kỹ thuật bán dẫn (chip điện tử) vào hệ thống đào tạo của nhà trường. Ảnh: Đại học Nam Cần Thơ
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà hơn thế nữa, còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa...
Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao
Để tận dụng được cơ hội và phát huy lợi thế, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040. Mục tiêu này không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Một số mô hình trưng bày ở triển lãm công nghệ chip bán dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Để đạt được mục tiêu, Việt Nam đã có những giải pháp để hiện thực hóa, trong đó trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam, mục tiêu dự kiến đến năm 2030, đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.
Bộ KHĐT đã giao Trung tâm đổi mới sáng tạo phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Các địa phương cũng đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực nhân sự để phát triển ngành này. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh.
Các trường cũng tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn trên địa bàn tỉnh như Samsung, Goertek Vina, Amkor... để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tỉ lệ học sinh, sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề. ĐH Quốc gia TPHCM dự định triển khai các chính sách nhằm đưa giảng viên và các cán bộ trẻ đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Sau khi học hỏi các kiến thức và công nghệ mới, họ sẽ trở về để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn...
Để đón làn sóng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực chất lượ ng cao, đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành. Cải thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượ ng và công nghệ số, để đáp ứng yêu cầu cao của ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, cần tạo môi trườ ng đầu tư thuận lợi, phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn - TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp.
(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Xuân Ất Tỵ)
Khánh Vũ