Thương lái có ý định chuyển sang giết mổ gia súc thủ công - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2024-12-03 06:52:00
  • OTHER

Thay vì thực hiện theo chủ trương giết mổ gia súc công nghiệp, nhiều thương lái ở TPHCM lại muốn chuyển về các tỉnh lân cận giết mổ thủ công để được lợi hơn.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241203/images/Giet-Mo-1.jpg

Kiểm soát giết mổ gia súc tại một cơ sở giết mổ gia súc ở TPHCM. Ảnh: Huân Cao

Những ngày cuối năm này, ông Nguyễn Minh Tiến - thương lái ở một cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM) đang hoàn tất một số công việc để chuyển gia súc đến một cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Đức Hòa (Long An).

Ông Tiến đưa ra quyết định chuyển hướng này, bởi việc giết mổ gia súc thủ công có chi phí thấp hơn, mặt khác việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở thủ công cũng dễ thở hơn so với cơ sở giết mổ công nghiệp. Theo ông Tiến, vào dịp cuối năm, nhất là dịp Tết, lượng heo giết mổ sẽ tăng lên nên chi phí giết mổ cũng sẽ tăng cao. Do vậy, việc chuyển hướng sang giết mổ thủ công ở các tỉnh lân cận, sau đó vận chuyển thịt ngược về TPHCM tiêu thụ sẽ được lợi nhuận nhiều hơn.

Tương tự như ông Tiến, một thương lái khác đang thực hiện việc giết mổ gia súc công nghiệp tại cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung ở huyện Củ Chi (TPHCM) cũng đang tính chuyển đến một cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn tỉnh Long An.

Giết mổ thủ công giảm được quy trình nghiêm ngặt hơn so với giết mổ công nghiệp, trong khi chi phí thấp hơn mà vẫn được bán tại chợ đầu mối ở TPHCM như là giết mổ công nghiệp - thương lái này cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp An Hạ cho biết, để giữ các thương lái ở lại với nhà máy giết mổ công nghiệp, nhà máy đã phải giảm mức phí giết mổ công nghiệp xuống bằng mức phí giết mổ thủ công, khiến nhà máy phải gánh lỗ mỗi tháng hàng tỉ đồng.

Theo bà Thắm, từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đến nay, số thương lái đăng ký chuyển vào giết mổ công nghiệp tại cơ sở chưa đến 1/3 công suất giết mổ của nhà máy (chỉ 1.000 con heo/ngày đêm, trong khi công suất nhà máy là 3000 con heo/ngày đêm).

Việc nhiều thương lái có kế hoạch chuyển về các địa phương lân cận như Long An để giết mổ thủ công, rồi vận chuyển thịt ngược về TPHCM tiêu thụ, đang dẫn tới một nghịch lý là TPHCM đóng cửa tất cả cơ sở giết mổ thủ công, nhưng vẫn tiếp nhận thịt heo từ các lò thủ công từ các tỉnh lân cận đưa về tiêu thụ.

Đại diện một doanh nghiệp giết mổ công nghiệp khác cho biết, hiện TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước thực hiện chủ trương giết mổ công nghiệp, trong khi các tỉnh, thành khác vẫn đang giết mổ thủ công. Trong khi chi phí giết mổ công nghiệp hiện nay cao hơn thủ công, nên đang xảy ra thực trạng là nhiều thương lái chuyển ra các tỉnh để giết mổ thủ công, rồi vận chuyển thịt ngược trở lại TPHCM là rất lớn, nhất là dịp Tết sắp tới.

Do vậy, TPHCM cần có giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm từ các lò giết mổ gia súc thủ công, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng từ các cơ sở giết mổ công nghiệp thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố.

Huân Cao

Link gốc