Tạo ngoại lệ cho ô tô, TT Trump 'nhượng bộ' hay tính đường lui cho Mỹ? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-03-06 15:06:00
- OTHER
Theo truyền thông Mỹ, việc ông Donald Trump tạm hoãn việc áp thuế quan 25% với các sản phẩm ô tô từ Canada và Mexico là một nhượng bộ lớn, nhưng liệu điều này có lợi cho hai nước này, hay có lợi cho chính nước Mỹ?
Miễn trừ thuế với ô tô trong 1 tháng
Ngày 5/3 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định miễn cho các nhà sản xuất ô tô khỏi mức thuế trừng phạt 25% đối với Canada và Mexico trong 1 tháng, miễn là họ tuân thủ các quy tắc thương mại tự do hiện hành.
Thông báo của chính quyền ông Trump được đưa ra một ngày sau cuộc điện đàm với các giám đốc điều hành của Ford, GM và Stellantis. Đồng thời, quyết định này cũng chỉ đưa ra 1 ngày sau khi mức thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada chính thức có hiệu lực.
Miễn trừ một tháng đối với ô tô và xe tải tuân thủ các quy tắc nội dung phức tạp của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA - hiệp định thương mại tự do được ký kết trong chính quyền Trump đầu tiên giữa Mỹ, Mexico và Canada).
Chúng tôi đã nói chuyện với ba nhà sản xuất ô tô lớn. Chúng tôi sẽ miễn trừ một tháng cho bất kỳ ô tô nào tuân thủ USMCA, ông Trump cho biết trong một tuyên bố do người phát ngôn của ông đọc vào ngày 5/3.
Theo CNN, việc tạm hoãn áp thuế quan với ô tô nhập khẩu được coi là một nhượng bộ lớn của ông Trump trong kế hoạch kinh tế của chính quyền ông, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Canada và Mexico trong việc tiếp tục đàm phán với Mỹ.
Thực chất, khó có thể nói sự nhượng bộ này là dành cho Canada hay Mexico, thay vào đó, sẽ hợp lý hơn nếu nói rằng đây là sự nhượng bộ của Tổng thống Mỹ cho các nhà sản xuất ô tô lớn, và cho ngành ô tô của Washington.
Mexico và Canada: Những trụ cột trong chuỗi cung ứng ô tô
Đã qua rồi thời kỳ xe hơi sản xuất 100% tại Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ đã hoạt động gần như không biên giới, nhờ các hiệp định thương mại tự do đã được nhiều tổng thống ký kết, bao gồm cả ông Donald Trump.
Kết quả là, các bộ phận và toàn bộ xe đã được vận chuyển tự do qua biên giới, đôi khi nhiều lần, trước khi đến được đại lý tại Mỹ.
Theo dữ liệu từ S&P Global Mobility, các nhà máy ô tô Canada đã sản xuất 1,3 triệu xe vào năm ngoái, trong khi các nhà máy Mexico sản xuất 4 triệu xe. Khoảng 70% số xe đó được bán tại các đại lý của Mỹ cho người mua Mỹ. Trong khi đó, các nhà máy ô tô Mỹ đã sản xuất 10,2 triệu xe.
Năm ngoái, Washington đã nhập khẩu 217 tỷ USD xe chở khách, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Hơn 1/5 số xe đó đến từ Mexico, nguồn nhập khẩu ô tô hàng đầu năm ngoái. Đứng sau Mexico là Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đức, đã xuất khẩu tổng cộng 131 tỷ USD xe chở khách sang Mỹ năm 2024.
Với giá trị 50 tỷ USD, xe ô tô chở khách là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mexico sang Mỹ năm ngoái. Sau dầu thô, xe ô tô chở khách là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Mỹ năm 2024, với giá trị 28 tỷ USD.
Ngoài ra, dữ liệu thương mại liên bang cho thấy Canada và Mexico đã vận chuyển tổng cộng 47 tỷ USD phụ tùng ô tô sang Mỹ vào năm ngoái.
Những con số này cho thấy không chỉ Canada và Mexico phụ thuộc vào thị trường Mỹ, mà chính ngành sản xuất ô tô của Washington cũng đang liên hệ mật thiết với hai đối tác thương mại này.
Hoãn áp thuế, hoãn áp lực cho ngành ô tô Mỹ
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã lập luận rằng việc áp thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Canada và Mexico khiến ô tô được sản xuất tại các nhà máy ở Bắc Mỹ gặp bất lợi rất lớn.
Đó là bởi vì ngay cả ô tô được lắp ráp tại các nhà máy ở Mỹ đều có phụ tùng nhập khẩu từ Mexico và Canada và do đó sẽ phải chịu chi phí cao hơn hàng nghìn USD nếu bị áp thuế.
Theo phân tích của Anderson Research Group, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Michigan, nếu không có miễn trừ ô tô, mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada có thể làm tăng chi phí sản xuất ô tô trên khắp Bắc Mỹ từ 3.500 đến 12.000 USD.
Một phân tích khác của Edmunds cho rằng các khoản thuế sẽ tăng trung bình 3.000 USD cho xe ô tô và lên đến 7.000 USD cho biển số xe đến từ các nhà máy ở Mexico và Canada. Điều đó sẽ là một đòn giáng vào những người mua.
Việc hoãn áp thuế trong trường hợp này có thể được coi là cứu cánh lúc nguy cấp cho các nhà sản xuất và người dùng Mỹ, trước mức chi phí quá cao cho một chiếc ô tô.
Việc tạm dừng thuế quan tạo thêm không gian cho ngành công nghiệp để giữ giá tiêu dùng ổn định do lượng hàng tồn kho hiện có tại các đại lý. Đại lý Rhett Ricart ở Ohio, người bán xe GM và Ford cùng nhiều thương hiệu khác, đã hy vọng có một thỏa thuận nhanh chóng để ngăn chặn khủng hoảng.
Tôi nghĩ họ sẽ không mất một tháng để tìm ra cách xử lý vấn đề này, ông Ricart nói.
Với các nhà sản xuất lớn như Ford, GM, Stellantis, động thái này đã tạo điều kiện để họ tìm ra một phương án sản xuất khả dĩ hơn. Mà rõ ràng, phương án khả thi nhất (đồng thời cũng hợp ý ông Trump nhất), là đưa quy trình sản xuất quay trở lại Mỹ. Bởi theo quy định của USMCA, xe ô tô phải có 75% cấu thành từ Bắc Mỹ để được miễn thuế khi vào thị trường Mỹ.
Đó là lý do động thái của ông Trump được 3 ông lớn trong ngành ô tô hoan nghênh nhiệt liệt. Trong khi đó, Canada và Mexico không tỏ ra hào hứng.