Tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-03 06:41:00
- OTHER
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Tiến đến gần mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao
Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân, tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045 không chỉ mang tính chiến lược mà còn cần có sự thực hiện đồng bộ của cả đất nước. Chỉ khi cả đất nước cùng hành động, chúng ta mới có thể hiện thực hóa giấc mơ một nền kinh tế hùng cường, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
“Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, dựa trên đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đến năm 2045, nước ta hướng tới việc đạt tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao, với chất lượng và giá trị gia tăng được nâng cao. Mô hình phát triển sẽ chuyển từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp sáng tạo.
Trong tầm nhìn 2045, Việt Nam cần phát triển hệ thống giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và kết nối trong và ngoài nước.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực kinh tế. Việt Nam sẽ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để hiện thực hóa khát vọng kinh tế hùng cường, Việt Nam cần tập trung vào giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng phát triển cần chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động.
Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy các sản phẩm thương hiệu Việt. Đặc biệt, nước ta cần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.
Tìm kiếm những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8% vào năm 2025. Trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2025 có thể nói là năm khép lại giai đoạn 2021-2025 với những kết quả đạt được chắc chắn vượt quá mức kỳ vọng để bước sang giai đoạn phát triển tiếp, hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định.
Để giữ nhịp tăng trưởng như giai đoạn trước, cần coi trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Đơn cử như phát huy đầu tư công, khuyến khích phát triển đầu tư tư nhân. Thúc đẩy xuất nhập khẩu để hướng tới quy mô tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu khoảng 880 - 900 tỉ USD, khai thác tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do và tìm kiếm thị trường mới.
Các giải pháp đột phá cần được áp dụng là lấy ổn định kinh tế - xã hội làm nền tảng, phát huy tác động sâu rộng của các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển trên diện rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thạch Lam