Tài chính thông minh: Tích lũy tài sản dù lương thấp - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-06 20:52:00
- OTHER
Không ít người dù có thu nhập khiêm tốn vẫn tích lũy được hàng trăm triệu đồng nhờ tư duy tài chính hợp lý và chiến lược quản lý tiền bạc hiệu quả.
Không ít người dù có thu nhập khiêm tốn vẫn tích lũy được hàng trăm triệu đồng nhờ tư duy tài chính hợp lý. Ảnh: Bình Nguyên
Trong bối cảnh vật giá leo thang và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhiều người có thu nhập thấp cảm thấy khó khăn trong việc tích lũy tài sản. Không ít người cho rằng, muốn làm giàu hay có tài chính vững vàng, cần phải có mức lương cao.
Tuy nhiên, với tư duy tài chính đúng đắn và chiến lược quản lý tiền bạc hiệu quả, việc tích lũy tài sản vẫn hoàn toàn khả thi, ngay cả khi thu nhập còn hạn chế.
Anh Minh, 30 tuổi, là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Sống ở một thành phố có mức chi phí đắt đỏ bậc nhất cả nước, anh từng nghĩ rằng việc tích lũy tài sản là điều rất xa vời.
Nhưng thay vì phó mặc cho đồng lương eo hẹp, anh quyết định quản lý tài chính cá nhân một cách chặt chẽ. Ngay khi nhận lương, anh luôn trích 15-20% để gửi vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn. Phần còn lại được phân bổ một cách hợp lý: khoảng 55% dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà, ăn uống, đi lại, trong khi 25-30% dùng cho các hoạt động cá nhân nhưng luôn trong mức kiểm soát.
Sau ba năm duy trì kỷ luật tài chính, anh Minh tích lũy được gần 150 triệu đồng, chưa kể một khoản thu nhập từ công việc làm thêm vào cuối tuần. Số tiền này giúp anh có vốn để bắt đầu đầu tư vào chứng khoán và quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) – một kênh đầu tư an toàn hơn so với tự giao dịch cổ phiếu nhưng vẫn mang lại lợi nhuận ổn định.
Nhờ lợi nhuận từ đầu tư và tiếp tục duy trì thói quen tiết kiệm, sau năm năm đi làm, anh Minh đã có trong tay hơn 300 triệu đồng – một con số không nhỏ đối với một người có mức lương chỉ 9 triệu đồng/tháng.
Không chỉ anh Minh, chị Lan, 32 tuổi, làm kế toán tại một công ty tư nhân ở Hà Nội, cũng là một ví dụ tiêu biểu về việc tích lũy tài sản dù thu nhập không cao. Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, chị từng gặp khó khăn trong việc tiết kiệm vì những khoản chi tiêu cá nhân không được kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục lối sống làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chị sẽ không thể có sự an toàn tài chính trong tương lai, chị quyết định thay đổi.
Chị Lan áp dụng phương pháp chi tiêu ngược – tức là tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Mỗi tháng, ngay khi nhận lương, chị trích ngay 2 triệu đồng vào quỹ tiết kiệm, sau đó mới tính toán chi tiêu cho các khoản còn lại.
Bên cạnh đó, chị Lan cũng tìm hiểu về các kênh đầu tư khác nhau và quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư, vừa đảm bảo an toàn tài chính, vừa có thể sinh lời trong dài hạn. Nhờ phương pháp này, sau 5 năm, chị Lan đã tích lũy được hơn 400 triệu đồng, đủ để mua một mảnh đất nhỏ tại quê nhà, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn của mình.
Theo bà Hạnh Nguyễn – một nhà đầu tư tài chính cá nhân, sai lầm lớn nhất của nhiều người có thu nhập thấp là không có kế hoạch quản lý tiền bạc. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu, mà quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu. Nhiều người có thu nhập cao nhưng không tiết kiệm được vì chi tiêu vô tội vạ. Ngược lại, nếu bạn có chiến lược hợp lý, ngay cả khi lương chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, bạn vẫn có thể tích lũy và đầu tư để gia tăng tài sản, bà Hạnh chia sẻ.