Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6 - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-06-01 10:11:00
  • OTHER

Từ đầu tháng 6/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử; doanh nghiệp nhà nước áp dụng cơ chế tiền lương mới; chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp...

Hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ được Chính phủ ban hành ngày 20/3/2025, có hiệu lực từ 1/6/2025, các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.

Đây là quy định sửa đổi từ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 nhằm tăng tính minh bạch và quản lý hiệu quả hơn nguồn thu ngân sách. Chính sách mới không chỉ áp dụng với hộ kinh doanh truyền thống mà còn mở rộng đến các lĩnh vực như ăn uống, khách sạn, vận tải hành khách, giải trí…

Việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm thiểu gian lận thuế, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng theo dõi sát sao hoạt động kinh doanh. Hóa đơn từ máy tính tiền không cần chữ ký số nhưng vẫn được công nhận hợp lệ khi kê khai nghĩa vụ thuế. Đây là một bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ngành thuế, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch và hiện đại.

Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2025.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250601/images/anh-1-1907-1048.jpg
Hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: T.V.

Doanh nghiệp Nhà nước áp dụng cơ chế tiền lương mới

Thông tư 003/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 28/4/2025 về hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/6/2025. Thông tư hướng dẫn chi tiết cơ chế xác định tiền lương, thù lao, tiền thưởng tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, mức lương sẽ được tính toán dựa trên lợi nhuận trước thuế, năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Đối với các doanh nghiệp hoạt động không vì lợi nhuận, tiêu chí đánh giá sẽ là tổng doanh thu trừ tổng chi phí, sau khi loại trừ yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh... Thông tư cũng yêu cầu doanh nghiệp xây dựng lại hệ thống thang, bảng lương nếu chưa phù hợp.

Việc xác định quỹ lương sẽ được thực hiện thông qua các phương pháp rõ ràng như mức lương bình quân, đơn giá ổn định, hoặc phân phối theo chỉ tiêu cụ thể. Chính sách mới hướng đến thúc đẩy công khai tài chính, nâng cao trách nhiệm quản lý, đồng thời tạo động lực thực chất cho người lao động, gắn thu nhập với hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng suất của khối doanh nghiệp Nhà nước.


Doanh nghiệp Nhà nước áp dụng cơ chế tiền lương mới. Ảnh: Trọng Hiếu.

Mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản đầu tư gián tiếp tại Việt Nam

Theo Thông tư 03/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 29/4/2025 quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ 16/6/2025, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mở một tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại một ngân hàng duy nhất để thực hiện các giao dịch liên quan. 

Đây là bước đi quan trọng nhằm quản lý chặt chẽ hơn dòng vốn đầu tư ngoại, phòng ngừa gian lận và rửa tiền. Một số trường hợp đặc biệt như công ty chứng khoán nước ngoài có thể được mở 2 tài khoản nếu có 2 mã giao dịch chứng khoán được cấp. 

Các tổ chức tài chính quốc tế hoặc tổ chức chính phủ nước ngoài cũng có ngoại lệ nhưng phải cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh mã số giao dịch chứng khoán hợp lệ. Việc thống nhất và giới hạn tài khoản giúp cơ quan quản lý dễ dàng giám sát dòng tiền, tăng tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư quốc tế. 

Chính sách này nhằm hiện đại hóa quy trình báo cáo, giảm tải hành chính và tăng tính chính xác, đồng thời phù hợp với xu hướng số hóa mạnh mẽ trong quản lý thị trường tài chính hiện nay. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý đối với hoạt động của khối nhà đầu tư nước ngoài…


Nghị định 92/2025 quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp có hiệu lực từ ngày 15/6. Ảnh: T.V.

Chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp

Nghị định 92/2025 quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp có hiệu lực từ ngày 15/6 đã quy định rõ về những chế độ, chính sách mà chuyên gia cao cấp được hưởng.

Theo đó, chuyên gia cao cấp là các cán bộ, công chức, viên chức hoặc người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.

Về chế độ, đối với chuyên gia cao cấp là cán bộ công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lýcó hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở xuống hoặc không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 1, hệ số lương 8,80 của Bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Trợ lý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0 đến 1,25 thì được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 2, hệ số lương 9,40 của Bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Thứ trưởng.

Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,30 trở lên được hưởng chế độ, chính sách, gồm: Xếp lương vào bậc 3, hệ số lương 10,0 của Bảng lương chuyên gia cao cấp; được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng.

Chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp là người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị thì người đứng đầu cơ quan thỏa thuận với người dự kiến được tuyển chọn, bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp.

Mức tiền lương và chế độ, chính sách tùy từng trường hợp cụ thể trong phạm vi chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp là cán bộ, công chức, viên chức tối đa bằng mức áp dụng đối với trường hợp có hệ số chức vụ từ 1,3 trở lên (như đã nêu trên) trước khi trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp để làm cơ sở ký hợp đồng công việc.


Chính thức dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1/6. Ảnh: T.V.

Dừng cấp thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1/6

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tổ chức, sắp xếp các đơn vị đi vào hoạt động theo mô hình mới và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Bảo hiểm xã hội các khu vực và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ Bảo hiểm y tế cũ đến hết ngày 31/5/2025. Đây là nội dung trong Công văn số 168/BHXH-QLT, ngày 26/3/2025 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cũng theo công văn này, từ ngày 1/6/2025, đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế, yêu cầu cán bộ bảo hiểm xã hội trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID), ứng dụng định danh điện tử (VNeID) và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID, VNeID; căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế bản giấy. Chỉ thực hiện cấp mới thẻ bảo hiểm y tế giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.

Để sử dụng ứng dụng VssID hoặc VNeID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy, người dân có thể tự tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào các ứng dụng này theo các bước đơn giản: tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào VNeID. Trước tiên, người dân cần cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng VNeID. Sau đó, mở ứng dụng và đăng nhập, chọn mục Ví giấy tờ, rồi chọn tích hợp thông tin. Tiếp theo, chọn Tạo mới yêu cầu và nhập số thẻ bảo hiểm y tế cùng thông tin đơn vị cấp thẻ để hoàn tất việc tích hợp.

Về ứng dụng VssID, hiện nay, hầu hết tài khoản đã được xác thực với những dữ liệu về dân cư, cập nhật số căn cước công dân. Với tài khoản chưa được cập nhật, người dân có thể thực hiện các bước sau để cập nhật số căn cước công dân hay mã số định danh cá nhân đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào ứng dụng VssID.

Để kiểm tra số căn cước công dân đã cập nhật trên ứng dụng VssID: Mở ứng dụng VssID trên điện thoại - Đăng nhập tài khoản. Nếu tài khoản đã hiển thị số căn cước công dân thì không cần cập nhật. Nếu vẫn còn số chứng minh nhân dân cũ thì cần thực hiện thay đổi thông tin, thì thực hiện các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào địa chỉ:https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn - Đăng nhập bằng tài khoản VssID của mình.

Bước 2: Khi Đăng nhập thành công thì nhìn lên phía trên chọn vào thông tin tài khoản để thay đổi số chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

Bước 3: Tại phần quản lý thông tin, người dân có thể dễ dàng chỉnh sửa số chứng minh nhân dân/căn cước công dân.

Bước 4: Xác nhận tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau khi hoàn tất việc thay đổi thông tin trực tuyến, người dùng sẽ nhận được thông báo yêu cầu đến cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất để xác nhận và hoàn tất việc thay đổi thông tin trên hệ thống bảo hiểm xã hội.


Dừng thu công đoàn phí 2,6 triệu lao động từ 1/6. Ảnh: T.V.

Dừng thu công đoàn phí 2,6 triệu lao động

Các cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước sẽ dừng thu đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn từ ngày 1/6. Công đoàn phí là khoản tài chính công đoàn do người lao động tham gia tổ chức công đoàn cơ sở đóng. Còn kinh phí công đoàn là do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng.

Đối với những đơn vị đã đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn của thời điểm 1/6 trở về sau thì đơn vị được phân cấp thu có trách nhiệm chuyển trả lại cho đơn vị đã đóng hoặc đoàn viên.

Được biết, nhóm đối tượng được dừng đóng kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn vào khoảng 2,6 triệu người. Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn của nhóm đối tượng dừng đóng vào khoảng trên 3.000 tỷ đồng/năm.

Bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ

Nghị định 93/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6 tới đây.

Nghị định đã bổ sung hình thức kỷ luật bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 19/2020. Đơn cử như vi phạm: Không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm; thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...

Ngoài ra Nghị định 93/2025 cũng bổ sung quy định về các trường hợp được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Các trường hợp được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ lỗi của đối tượng vi phạm hành chính; người ban hành quyết định trong xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra, phát hiện có sai sót và đã thực hiện khắc phục sai sót theo quy định mà chưa gây ra hậu quả.

An Khang-Link gốc