Nhiều nhà máy điện chậm tiến độ: Quá khó khi muốn tăng cung 1,5 lần? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-10 07:50:00
- OTHER
Năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng hai con số, đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu này là rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm.
Ngành điện phải đột phá, có những công trình thế kỷ
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%, có tháng cao điểm lên đến 13-15%, một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%.
Sang đến năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng hai con số, đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần. Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm. Vấn đề là có dám nghĩ, dám làm và biết cách làm hay không. Vì vậy, ngành điện phải có đột phá, phải có những công trình thế kỷ, công trình mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, dứt khoát không để thiếu điện, đáp ứng mức độ tăng trưởng GDP hai con số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội trong những năm tới sẽ rất lớn. Cung ứng điện phải đảm bảo đạt từ 11% trở lên. Đây là áp lực lớn trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ.
Ông Diên còn lưu ý, những mục tiêu nổi bật năm 2024 như tăng trưởng GDP đạt trên 7%; đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; thu hút gần 40 tỷ USD vốn FDI... sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong năm 2025.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho hay, năm qua, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp sẵn sàng cho cung ứng điện những năm tới.
Cụ thể, đã hoàn thành đưa vào vận hành dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (360MW); hoàn thành 199 dự án lưới điện 110 - 500kV (tổng quy mô gần 4.100km đường dây và gần 15.500MVA trạm biến áp); tập trung thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (dự kiến phát điện cuối năm 2025), Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch; thu xếp vốn các dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái để khởi công đầu năm 2025.
Tuy nhiên, ông An cũng thẳng thắn cho rằng, còn tiềm ẩn một số rủi ro cho khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao điểm cuối mùa khô (giai đoạn từ tháng 5 - 7, nếu nhu cầu tăng đột biến).
EVN cũng cho biết, có nhiều khó khăn có thể gây ảnh hưởng đến cung ứng điện như khả năng cấp khí thiên nhiên trong năm 2025 sẽ bị suy giảm mạnh so với các năm trước đây, tiến độ của nhiều dự án nguồn điện mới chậm tiến độ, các nguồn thủy điện lớn cơ bản đã được xây dựng và đưa vào vận hành, chỉ còn một số dự án thủy điện với quy mô công suất nhỏ.
Trong khi đó, nhiệt điện than sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng và việc triển khai các dự án cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sau khi Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Nhận định kỹ hơn về các nguồn điện trong vài năm tới, EVN cho biết, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt 6.000MW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030 nhưng thời gian thực hiện một dự án cần tới 6 - 8 năm. Hiện cơ chế phát triển ĐGNK mới đang được Bộ Công Thương xây dựng Đề án thí điểm phát triển kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ để trình Chính phủ. Các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) mới được bổ sung trong Quy hoạch điện VIII hiện nay vẫn đang cần các cơ chế, chính sách từ các cấp có thẩm quyền để triển khai theo quy hoạch...
Ngoài ra, nguồn điện khí được kỳ vọng chạy nền thay nhiệt điện than trong các năm tới cũng chưa chắc chắn có thể hoàn thành đúng kế hoạch. Bởi ngoại trừ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 và Hiệp Phước 1 với tổng công suất khoảng 2.824MW có thể hoàn thành trước năm 2030, các dự án LNG còn lại khó đáp ứng tiến độ hoàn thành trước năm 2030.
Đa dạng hóa nguồn cung
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nếu không kịp thời có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn điện nền, điện xanh, điện sạch, bền vững sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung điện nghiêm trọng.
Vậy trong bối cảnh nguồn cung ứng năng lượng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nghiệm trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển. Doanh nghiệp phải làm gì?
TS. Đào Lê Trang Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình bền vững.
Bà Trang Anh nhấn mạnh, một trong những giải pháp chính để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió, bởi vậy các doanh nghiệp sản xuất có thể xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng gió.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến cũng là giải pháp rất quan trọng để nâng cao hiệu suất năng lượng.
“Các doanh nghiệp sản xuất nên cân nhắc áp dụng các hệ thống tự động hóa, máy móc tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất xanh để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí vận hành. Chuyển đổi số và công nghệ như IoT (internet vạn vật) có thể giúp theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả sản xuất”, bà Trang Anh cho hay.
Không những vậy, để giảm thiểu rủi ro từ biến động về giá và nguồn cung năng lượng, vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp nên xây dựng các phương án dự phòng và đa dạng hóa nguồn cung cấp. Điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp năng lượng khác nhau và đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng.
Ngoài những giải pháp mà phía doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện như trên, theo các chuyên gia, phía cơ quan nhà nước cũng phải nhanh chóng tháo gỡ rào cản về mặt pháp lý gây cản trở dự án điện phát triển.
Theo đó, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để khi Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực (1/2/2025), các doanh nghiệp, tổ chức liên quan có căn cứ triển khai các dự án mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương rà soát các dự án có trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa giao chủ đầu tư, chỉ đạo các địa phương khẩn trương có tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và có kế hoạch triển khai để bảo đảm tiến độ đề ra.
Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2026-2030 bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý triển khai quy hoạch nguồn điện gió ngoài khơi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.