Nhiều hãng sữa tự công bố mất tích sau bê bối sữa giả - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-05-04 14:45:00
- OTHER
Dù không nằm trong danh sách sữa giả bị cơ quan chức năng công bố, nhiều hãng sữa đã bặt vô âm tín sau bê bối.
Bệnh nhân ung thư lo ngại, không dám uống sữa bác sĩ từng kê
Trong quá trình thực hiện loạt bài, PV đã nhận được thông tin của một vài bệnh đã và đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội). Theo thông tin từ người bệnh, trước đây (trước thời điểm các bê bối về sữa giả được phanh phui) đối với mỗi bệnh nhân đến viện mổ, điều trị ung thư, trong đơn thuốc luôn được kê kèm các loại sữa khác nhau.
Bà Nguyễn Hoàng Hà, một bệnh nhân ung thư tại Đống Đa, Hà Nội cho biết, sau khi khám phát hiện và điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện K Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) đã được bác sĩ khuyên dùng thêm sữa KinRay để hỗ trợ điều trị. Sau khi uống vài hộp, thì thông tin sữa giả xuất hiện khắp nơi khiến bệnh nhân hoang mang không biết có nên tiếp tục sử dụng sản phẩm này hay không.
Tôi phát hiện ung thư, sau đó điều trị thì được bác sĩ khuyên dùng thêm sữa này, uống vào thì cũng không cảm nhận được thay đổi gì nhiều. Đến nay đã uống được vài hộp, thấy thông tin sữa giả có ở khắp nơi, tôi cũng rất lo nhưng không dám hỏi lại bác sĩ xem có nên uống tiếp hay không.
Hiện nay tại bệnh viện K Tân Triều, không thấy bác sĩ và nhân viên y tế kê thêm sữa vào đơn thuốc như thời gian trước đây. Nếu sữa an toàn và việc kê sữa vào thuốc không sai thì làm sao họ phải dừng lại, nghĩ vậy nên tôi rất lo, bà Hà tâm sự.
Sữa KinRay được bác sĩ tư vấn cho bà Hà mua uống khi điều trị ung thư. Ảnh: Nhóm PV
Tại cổng bệnh viện K, khi tìm hiểu về thị trường sữa tự công bố bán cho các bệnh nhân của các nhà thuốc quanh bệnh viện, phóng viên cũng ghi nhận được sản phẩm sữa KinRay được bày bán tại nhà thuốc Chính An.
Đây là sữa bác sĩ viện K chuyên kê cho bệnh nhân ung thư, chị cứ yên tâm mua cho người nhà uống đi, đảm bảo chả làm sao hết, nhân viên nhà thuốc tư vấn.
Sữa KinRay được bán tại các nhà thuốc gần bệnh viện K Tân Triều, được nhân viên khẳng định là sữa do bác sĩ chỉ định. Ảnh: Nhóm PV.
Chi tiền triệu mua sữa xương khớp tự công bố rồi đổ bỏ
Bà Vũ Thị Hồng (trú tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gần đây bà chi hơn 2 triệu đồng để mua một thùng sữa bột, gồm 5 hộp “Sữa non xương khớp - Boca Sure Gold”. Sản phẩm được những người tự xưng là bác sĩ quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội là nhập khẩu từ Mỹ, chuyên hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp.
Bà Hồng đã sử dụng hết 4/5 hộp Sữa non xương khớp - Boca Sure Gold. Ảnh: NHÓM PV
“Tôi mắc bệnh xương khớp đã nhiều năm. Ngoài thuốc điều trị, tôi còn bổ sung thêm sữa và các thực phẩm chức năng. Thấy quảng cáo mua 3 tặng 2, giá cả phải chăng, lại được bác sĩ trên mạng giới thiệu là rất tốt, tôi đã tin tưởng mua về dùng”, bà Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, khi tin tức về đường dây sữa giả bị triệt phá lan rộng, bà Hồng bỗng cảm thấy hoang mang. Dù đã uống gần hết số sữa mua về, bà lập tức dừng lại khi nghe cảnh báo về các sản phẩm nhắm đến bệnh nhân như mình.
“Tôi không dám uống thêm nữa. Không rõ nguồn gốc thực sự thế nào, liệu sản phẩm này có nằm trong danh sách sữa giả mà cơ quan chức năng đã công bố không. Dù tiếc tiền, nhưng sức khỏe vẫn là trên hết”, bà Hồng thở dài.
Không riêng gì bà Hồng, em gái bà là bà Vũ Bích Nhung cũng đang thấp thỏm lo lắng. Bà Nhung là một bệnh nhân đang thăm khám tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội), cho biết khu vực quanh bệnh viện vốn tràn ngập các cửa hàng, quầy thuốc bày bán sữa bột dành cho người bệnh. Sau vụ bê bối, nhiều sản phẩm sữa bỗng dưng “biến mất” khỏi kệ hàng mà không rõ lý do.
“Một số người thân của tôi ở quê sau khi biết đã mua phải sữa giả, người thì đành vứt bỏ, người thì pha cho vật nuôi uống để đỡ cảm giác lãng phí”, bà Nhung xót xa nói.
Thực phẩm chức năng Boca Sure Gold được quảng cáo là sữa non nhập khẩu từ Mỹ, hỗ trợ tăng cường xương khớp chắc khỏe, vận động linh hoạt. Mặc dù là thực phẩm chức năng, nhưng trên bao bì của sản phẩm cụm từ “sữa non xương khớp” được xuất hiện nhiều lần.
Theo thông tin trên bao bì: Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối là CTCP Sâm Bố Chính Savita Việt Nam. Địa chỉ số 32 ngách 111/44 tổ 13 Yên Lộ, phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Sản xuất tại CTCP thương mại và sản xuất BONITA NATURE tại lô CN10 cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội).
Số TCB: 01/SAVITA/2023
TCCS: TCCS 15:2024/BONITA
Theo công bố, trong sản phẩm Boca Sure Gold có hàm lượng như sau:
Năng lượng: 340 KCal
Carbohydrate: 55 g
Chất đạm: Lớn hơn hoặc bằng 12 g
Chất béo: 8 g
Sữa non/ Colostrum: 1000 mg
Collagen tuyp II: 500 mg
MSM (methylsulfonylmethane): 600 mg
L - Lysin HCL: 500 mg
Chondroitin sulfote: 450 mg
NeoGOS: 200 mg
Omega 3: 100 mg
Taurine: 100 mg
Choline bitartrate: 100 mg
NMN (Beta Nicotinamide mononucleotide): 60 mg
Polycan: 10 mg
Lipase 2.000IU/g: 80 IU
Cellulase 2.000IU/g: 80 IU
Lactase 2.000IU/g: 80 IU
Amylose 10.000IU/g: 40 IU
Proteose 5.000 IU/g: 40 IU
Vitamin
Vitamin C: 50 mg
Inositol: 50 mg
Vitamin B1: 15 mg
Vitamin B6: 15 mg
Vitamin K2 2000ppm (MK7): 12,5 mg
Vitamin B2: 10 mg
Vitamin PP: 10 mg
Acid folic: 400 mcg
Vitamin B12: 2 mcg
Vitamin D3: 200 IU
Vitamin A: 350 IU
Khoáng chất
Canxi: 1754 mg
Aquamin F (32% canxi từ tảo): 50 mg
Sắt: 10 mg
Magie: 36 mg
Selen (2000ppm): 3,2 mg
Kẽm: 2,85 mg
Hàng loạt sản phẩm mất tích sau bê bối sữa giả
Từ những manh mối ban đầu, phóng viên lần theo địa chỉ được in công khai trên bao bì của sản phẩm “Sữa non xương khớp - Boca Sure Gold”, do Công ty Cổ phần Sâm Bố Chính Savita Việt Nam (số 32 ngách 111/44, tổ 13 Yên Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối. Tuy nhiên, thực tế khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về tính hợp pháp và minh bạch của đơn vị này.
Khi thấy phóng viên tìm hỏi đường vào Công ty Cổ phần Sâm Bố Chính Savita Việt Nam để hỏi mua sữa, một người phụ nữ trung niên cảnh báo: “Các cháu đừng mua ở đó làm gì, từ vụ sữa giả đến nay không thấy họ đâu nữa. Không nên mua vì nguồn gốc không rõ ràng”.
Tìm tới địa chỉ này, qua quan sát, trụ sở Công ty Cổ phần Sâm Bố Chính Savita Việt Nam chỉ là một căn nhà dân bình thường, ba tầng và một tum, nằm khuất sâu trong ngõ nhỏ. Đáng chú ý, địa chỉ này còn là nơi đăng ký kinh doanh của ít nhất ba công ty khác nhau.
Trụ sở của Công ty Cổ phần Sâm Bố Chính Savita Việt Nam (số 32 ngách 111/44, tổ 13 Yên Lộ, Yên Nghĩa) cũng là trụ sở của 2 đơn vị khác, luôn trong tình trạng khóa trái cửa. Ảnh: NHÓM PV
Tại thời điểm ghi nhận, căn nhà khóa trái cửa, không có bất kỳ dấu hiệu hoạt động của doanh nghiệp, văn phòng hay kho hàng.
Bên cạnh đó, hàng loạt website từng quảng cáo, phân phối sản phẩm như bocasuregold.com, samsavita.com.vn… của doanh nghiệp này cũng đã đồng loạt ngừng hoạt động, không thể truy cập.
Chợ sữa quanh Bệnh viện K: Bát nháo và khó kiểm soát
Không chỉ tại địa chỉ công ty phân phối, tình trạng kinh doanh sữa bột cũng nhức nhối tại khu vực quanh Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Dọc theo các dãy nhà trọ xập xệ, lối đi chung quanh bệnh viện tràn ngập tờ rơi, mẩu quảng cáo dán tường mời chào sữa bột, sữa nước dành cho bệnh nhân ung thư, người sau phẫu thuật...
Trong vai người nhà bệnh nhân có nhu cầu mua sữa, phóng viên tìm đến một cửa hàng thuốc nằm sát cổng bệnh viện (trên đường Cầu Bươu, Tân Triều). Tại đây, một nữ nhân viên bán hàng giới thiệu cho phóng viên nhiều loại sữa đóng chai nhập khẩu từ Thụy Điển và Mỹ, chuyên dành cho các ca nặng.
Phóng viên đặt vấn đề về việc có nhu cầu mua sữa bột để pha cho người thân, nữ nhân viên quầy thuốc hỏi kỹ lưỡng về tình trạng bệnh của người thân khách hàng để tư vấn sữa bột, nhưng tuyệt nhiên, không có một sản phẩm nào dạng này được bày bán công khai trên các kệ hàng.
Hai sản phẩm sữa bột Neomilk Gold và Fucoidan Gold không được nhân viên bày bán công khai trong hiệu thuốc. Ảnh: NHÓM PV
Sau khi tin tưởng, người này dẫn phóng viên đi dọc các dãy trọ để tiến vào một căn phòng nhỏ, cách cửa hàng thuốc gần 100m, nằm sâu trong ngõ tối.
Tại đây, nữ nhân viên tiếp thị các sản phẩm sữa bột có tên nước ngoài như Neomilk Gold, Fucoidan Gold nhưng sản xuất tại Việt Nam, có giá khoảng 730.000 đồng/hộp và khẳng định đây đều là các sản phẩm rất tốt cho bệnh nhân ung thư.
Khi phóng viên bày tỏ mong muốn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua, nhân viên lập tức gạt phăng: “Bác sĩ chỉ biết chữa bệnh, đâu nắm được loại sữa nào tốt. Như hiện nay, trong viện K, các bác sĩ không kê thêm sữa vào đơn thuốc nữa, chỉ trước đây mới kê thêm vào thôi”. Người này cũng tiết lộ thêm, những sản phẩm sữa bột này chỉ bán cho khách quen, còn khách lạ thì sẽ khó mua được.
Khi phóng viên tiếp tục hỏi mua thêm một thùng sữa bột, thái độ nhân viên trở nên dè chừng. Ngay sau đó, một người phụ nữ khác, tự nhận là chủ cửa hàng đã nhanh chóng đóng sập cửa kho, lớn tiếng phủ nhận việc buôn bán: “Ở đây không bán gì hết, chỉ cất một, hai hộp giúp người bệnh thôi”.
Chủ hiệu thuốc đóng cửa kho, từ chối bán sữa bột cho phóng viên. Ảnh: NHÓM PV
Thực tế cho thấy, quanh khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, việc buôn bán các loại sữa bột tự công bố, với nhiều cái tên lạ vẫn đang diễn ra tràn lan tại các quầy thuốc và cửa hàng tạp hóa, nhưng một số loại sản phẩm lại không được bán công khai.
* Tên nhân vật đã được thay đổi