Nhiều đối tượng thực sự khó khăn bị loại khi mua nhà ở xã hội do tiêu chí thu nhập - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-26 06:09:00
  • OTHER

Mặc dù nguồn cung nhà ở xã hội đã có bứt phá trong thời gian gần đây, tuy nhiên, việc triển khai phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250526/images/Nha-O-Xa-Hoi-98.jpg

Dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đề án phát triển nhà ở xã hội vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đình Trọng

Còn nhiều trở ngại khi phát triển nhà ở xã hội

Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đến nay, kết quả triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn cách xa mục tiêu đề ra. VARS nhận định, quá trình triển khai thực hiện chính sách về nhà ở xã hội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, giải quyết.

Theo đó, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất hợp lý cho phát triển nhà ở xã hội. Một số nơi đã bố trí quỹ đất nhưng thiếu cơ sở hạ tầng, không phù hợp để triển khai dự án. Chưa kể, việc thiếu cơ chế thu hút quỹ đất từ khối tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội tiếp tục là rào cản chưa có lời giải.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp. Các thủ tục chấp thuận chủ đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội không khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn, bị “soi xét” kỹ hơn do phải trải qua các bước thẩm định đặc thù. Trong khi lợi nhuận thấp, dẫn đến chủ đầu tư không mặn mà tham gia phát triển.

VARS cho rằng, hiện nay nguồn vốn và cơ chế tín dụng cho nhà ở xã hội cũng chưa phù hợp. Việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và ngân hàng thông qua vay tín dụng. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất, nhưng lãi suất của gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho phân khúc đặc thù này vẫn cao, thời hạn ngắn và không phù hợp với cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà thu nhập thấp.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng gặp khó khăn do thiếu cơ chế hỗ trợ tại địa phương. Nhiều địa phương chưa chủ động đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn, chưa ban hành các cơ chế cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.

Đặc biệt, nhiều địa phương vẫn thiếu sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Đề án. Công tác xác định đối tượng thụ hưởng tại một số địa phương còn lúng túng, thiếu hướng dẫn chi tiết. Một số nhóm lao động thời vụ, quân nhân, người có mức lương sát ngưỡng quy định… chưa được tiếp cận chính sách.

Đồng thời, mặc dù Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều điều chỉnh tích cực, tháo gỡ mạnh mẽ cho phân khúc nhà ở xã hội, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điểm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn như thiếu hướng dẫn chi tiết trong việc xác nhận đối tượng đủ điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội.

Nhiều người lao động dù có nhu cầu nhà ở bức thiết nhưng không thể tiếp cận nhà ở xã hội tại nơi mình đang làm việc hoặc công tác do không đủ điều kiện xác nhận hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú theo đúng quy định; một số nhóm đối tượng thực sự khó khăn nhưng bị loại trừ do tiêu chí thu nhập; yêu cầu về vốn tự có tối thiểu khi vay mua nhà - 20% là thách thức không nhỏ đối với người thu nhập thấp, đặc biệt là lao động phổ thông, công nhân trẻ chưa có tích lũy; thiếu nghiêm trọng sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê; chưa có chính sách riêng cho nhóm lao động thời vụ.

Cần tư duy mới để tháo gỡ những trăn trở còn tồn tại

Để tháo gỡ những trăn trở còn tồn tại, VARS đề xuất, các địa phương cần quy hoạch, bố trí quỹ đất cụ thể và hợp lý cho phát triển nhà ở xã hội, đưa chỉ tiêu này vào chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm và hàng năm.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, cần rút gọn quy trình chấp thuận đầu tư, đơn giản hóa thủ tục lựa chọn chủ đầu tư bằng cơ chế chỉ định thầu minh bạch, công khai.

Về nguồn vốn, cần xây dựng các quỹ phát triển nhà ở xã hội cấp trung ương và địa phương, sử dụng từ nguồn thu quỹ đất, ngân sách, đóng góp từ các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Các địa phương phải chủ động ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù nhu cầu thực tế: phát triển nhà cho thuê, đa dạng hóa mô hình, lựa chọn đúng nhóm đối tượng có nhu cầu thật. Và tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách, nhũng nhiễu, gây khó dễ trong triển khai.

Về chính sách đầu ra, cần minh bạch và đơn giản hóa thủ tục xác định đối tượng thụ hưởng, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Có chính sách hỗ trợ cho thuê – thuê mua đối với nhóm người lao động không đủ năng lực tài chính để mua nhà. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở xã hội để đảm bảo công bằng, minh bạch và đồng bộ trong tiếp cận.

Như Hạ

Link gốc