Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp phần phá hàng loạt vụ sách giả - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-05-13 10:43:00
- OTHER
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 15 vụ sách giả tại 8 tỉnh/thành với hàng triệu cuốn sách giả có giá bìa gần 60 tỷ đồng
Ngày 12/5, tại TP. Đà Nẵng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác chống in lậu năm 2025.
Ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc; ông Phạm Vĩnh Thái - thành viên HĐTV, Tổng biên tập; Trung tướng Nguyễn Khắc Khanh - Cố vấn cao cấp; các thành viên HĐTV: ông Phạm Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Tùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng; các Phó Tổng giám đốc: Nguyễn Chí Bính, Lê Huy; Kế toán trưởng, Chánh Văn phòng; các Phó Tổng biên tập cùng lãnh đạo các ban chuyên môn, Nhà xuất bản giáo dục miền, các công ty thành viên… dự hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác chống in lậu thời gian qua và triển khai kế hoạch chống in lậu năm 2025 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Vấn đề in lậu và phát hành xuất bản phẩm giả từ lâu luôn là vấn đề nhức nhối đối với ngành xuất bản nói chung và Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam nói riêng. Với số lượng bản in lớn, việc làm giả sách giáo khoa nói riêng và các sản phẩm sách giáo dục nói chung không chỉ gây tác hại đến xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống in lậu và phát hành xuất bản phẩm giả.
Ông cho hay trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong nội bộ hệ thống cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đấu tranh với vấn nạn này.
Theo đó, trong năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 15 vụ sách giả tại 8 tỉnh/thành với hàng triệu cuốn sách giả có giá bìa gần 60 tỷ đồng.
Dự báo thời gian tới, vấn nạn sách giả, sách lậu sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông mong muốn toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải chú ý quan tâm, cùng vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu, ông Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về tổng quan công tác chống in lậu năm 2024; triển khai kế hoạch chống in lậu năm 2025; đặc điểm nhận dạng về sách in lậu; hệ thống lại các loại tem chống giả đang được sử dụng hiện nay; đặc biệt là giới thiệu mã QRcode và mẫu họa tiết cho các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chống in lậu năm 2025 sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đề ra những biện pháp hữu hiệu đối với tình trạng in lậu và phát hành xuất bản phẩm giáo dục giả.
Từ nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn phối hợp tích cực cùng với các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn in lậu và phát hành sách xuất bản phẩm giáo dục giả, trong đó việc tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ luôn được chú trọng và được tổ chức thường xuyên.
THỤC THỤC