NAB: Cổ phiếu NAB sẽ khó thu hút dân chứng ngày 'đổ bộ' HoSE? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2024-03-07 10:47:00
- Ngân hàng
Chưa bàn về “sức khỏe” thì ngay nội bộ NamA Bank cũng tranh chấp quyền lực và có nhiều pha đấu tố nhau khiến hoạt động kinh doanh trì trệ trong nhiều năm.
Ngày 8/3 tới đây, hơn 1 tỷ cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) sau nhiều lần trì hoãn. Chưa bàn về “sức khỏe” thì ngay nội bộ Ngân hàng cũng đã tranh chấp và có nhiều pha đấu tố nhau khiến hoạt động kinh doanh trì trệ.
Song song đó, Nam A Bank gặp phải không ít thăng trầm như: ‘Sạch’ nợ xấu bằng cách tăng cường trích lập dự phòng, sở hữu khoản nợ khó thanh khoản hơn 1.670 tỷ đồng tại Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và dư nợ khó thanh khoản tăng mạnh.
Đấu tố tranh quyền
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Nam A Bank đã từng thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên HoSE nhưng suốt năm đó không có bất kỳ động thái nào. Nam A Bank gần như mất thời gian để giải quyết lùm xùm xoay quanh tranh chấp sở hữu cổ phần của các cổ đông sáng lập.
Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để làm rõ việc ông Nguyễn Chấn (chồng của cố doanh nhân Tư Hường - cổ đông sáng lập Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu) bị chiếm đoạt cổ phần, cổ phiếu và vốn góp Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
Ông Nguyễn Chấn, chồng đại gia Tư Hường (đã mất) đứng lên tố con trai là Nguyễn Quốc Toàn chiếm đoạt tài sảnViệc khởi tố vụ án được thực hiện sau khi cơ quan điều tra xác minh đơn tố giác của ông
Nguyễn Chấn và một số người liên quan về việc bị ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank lúc bấy giờ - đồng thời cũng là con trai ông Chấn đã cấu kết với một số người khác lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị khoảng 30.000 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận thông tin của cơ quan điều tra, ngày 22/6/2019, Nam A Bank phát đi thông cáo liên quan đến việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn – cha đẻ của ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank lúc bấy giờ.
Theo Nam A Bank việc tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm trước đó trong nội bộ gia đình ông sau khi nữ doanh nhân Tư Hường mất (năm 2017).
Thông cáo từ Ngân hàng cũng nêu rõ, đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Thời điểm tranh chấp, ông Nguyễn Quốc Toàn cũng đã ủy quyền cho một Phó Chủ tịch thường trực chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế và sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng.
Năm 2022, hai con trai của cố doanh nhân Tư Hường rời ban lãnh đạo Nam A Bank. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Nguyễn Quốc Mỹ đều không tham gia HĐQT mới của Nam A Bank.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, con trai thứ của bà Tư Hường đang bị chính cha ruột tố cáo và Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự
Nợ xấu đáng lo ngại
Năm 2023 Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận tăng khá, tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu soi sâu hơn vào kết quả kinh doanh thì những khoản nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng đầy lo ngại...
Nợ xấu NAB tăng mạnh hơn 50% trong năm 2023. Cụ thể, tổng nợ xấu nội bảng của Nam A Bank tính đến cuối năm 2023 là 2.989 tỷ đồng, tăng 53,66% so với đầu năm.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 820,6 tỷ đồng, tăng 6,22 lần, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.182 tỷ đồng, tăng 4,98 lần.Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Nam A Bank lại quay đầu giảm 37,43% xuống 986 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) là 5.395 tỷ đồng, tăng mạnh gần 51% so với đầu năm (3.575 tỷ đồng). Tuy chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng với việc nợ nhóm này tăng mạnh cho thấy nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao.
Nợ xấu nội bảng tăng mạnh khiến tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vào cuối năm 2023 là 2,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ. Thị trường BĐS “đóng băng” đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.
Không chỉ vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước đã gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022, chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng, nợ xấu,… trong giai đoạn 2016-2020.
Một trong những nội dung đáng chú ý chính là Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn, khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi...). Do đó, nếu tính toán, xác định lại thì một số tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) là một trong số đó.
Theo thuyết minh BCTC của Nam A Bank, từ 13/3/2020, Ngân hàng này áp dụng Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19.
Theo đó, ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng phát sinh trả nợ gốc, lãi từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc, hoặc lãi do doanh thu, thu nhập giảm.
Như vậy, nếu tính đúng, nợ xấu tại Nam A Bank thực chất cao hơn số liệu mà Ngân hàng TMCP Nam Á đã công bố.
Cổ phiếu NAB sẽ như nào sau khi lên HoSE?
Dư nợ trái phiếu đặc biệt từ VAMC luôn vượt mốc nghìn tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2017, Nam A Bank ghi nhận 2.400 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tương đương 6,6% tổng dư nợ cho vay. Năm 2018, giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành chỉ còn hơn 58 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2019, Nam A Bank đã mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC với tổng giá trị nợ gốc là 181 tỷ đồng, tương ứng tổng mệnh giá trái phiếu VAMC là 168 tỷ đồng và đã sử dụng số tiền trích lập dự phòng xử lý rủi ro các khoản nợ được mua lại này, để xóa hoàn toàn số nợ xấu tại VAMC.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2020, Nam A Bank lại tăng cường bán nợ xấu cho VAMC. Cụ thể hơn, năm 2020, Nam A Bank ghi nhận 1.950 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, bằng 2,19% tổng dư nợ tín dụng.
“Đây là các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành nhằm mua lại các khoản nợ xấu của Ngân hàng Nam A Bank. Trong năm kết thúc ngày 31/12/2020, Nam A Bank đã bán các khoản nợ cho VAMC với tổng số dư nợ gốc là 2.233 tỷ đồng và số dư dự phòng đã được trích lập của khoản nợ này trước khi bán là hơn 283 tỷ đồng, tương ứng tổng mệnh giá các trái phiếu đặc biệt là 1.950 tỷ đồng”, thuyết minh trong BCTC 2020 cho thấy.
Nhìn vào các dữ liệu BCTC của Nam A Bank cho thấy, kể từ năm 2020 đến thời điểm năm 2022, số dư trái phiếu đặc biệt từ VAMC mà đơn vị này nắm giữ đã trở lại và luôn duy trì “phong độ” vượt mốc nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, Nam A Bank ghi nhận hơn 1.101 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và năm 2022 Nam A Bank ghi nhận hơn 1.106 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Có lẽ với những tồn tại của Nam A Bank sẽ khó thu hút được nhà đầu tư dài hạn muốn đi cùng Ngân hàng trong tương lai.