Lương vừa tăng đã vơi vì thuế thu nhập cá nhân - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-14 18:35:00
- OTHER
Vừa được tăng lương và nhận khoản tiền làm thêm đợt Tết, chị Phạm Thị Linh sốc khi bị trừ 8,2 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân.
Hy vọng Luật Thuế TNCN thế hệ mới sẽ kịp thời điều chỉnh, để tạo động lực cho người lao động. Ảnh: Minh Ánh
Xót xa khi thưởng Tết “kéo” thuế TNCN tăng vọt
Vừa qua, chị Phạm Thị Linh (Hà Nội, 30 tuổi), làm việc tại một công ty dịch vụ - truyền thông, hân hoan nhận thông báo: Lương tháng 30 triệu đồng cộng thêm thưởng Tết 30 triệu, nâng thu nhập gộp của chị tháng vừa rồi lên 60 triệu đồng. Tưởng rằng sẽ dư dả trả nợ học phí cao học và dự định để dành mua vàng, chị Linh lại đứng hình khi thấy khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hơn 8,2 triệu đồng bị khấu trừ ngay, chưa kể 3,15 triệu đồng bảo hiểm từ lương cơ bản.
“Tôi biết khoản thưởng Tết thường bị tính gộp vào thu nhập và phải đóng thuế theo biểu lũy tiến, nhưng không ngờ một lần lại mất hơn 8 triệu tiền thuế. Lương, thưởng tăng một chút, nhìn qua thì hoành tráng, song cuối cùng tôi chỉ thực nhận khoảng 48,64 triệu,” chị Linh chia sẻ.
Theo chị, số tiền còn lại vẫn đủ trang trải cuộc sống thường ngày, nhưng nỗi buồn đầu năm là chi phí sinh hoạt ở Hà Nội ngày càng đắt đỏ, khiến chị không dư bao nhiêu.
Thuế TNCN tính theo kiểu thu nhập dồn cả lương, thưởng vào một tháng thì bị đẩy lên bậc cao. Có lẽ chính sách thuế nên linh hoạt hơn, để người lao động bớt ‘sốc’ khi nhận thưởng, chị Linh nói.
Khi chính sách thuế TNCN chưa theo kịp bão giá
Ở đô thị lớn, giá thuê nhà, xăng xe, thực phẩm… đều leo thang. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu/tháng (áp dụng từ năm 2020) đang tụt hậu so với tốc độ tăng giá sinh hoạt. Người lao động như chị Linh mong muốn nếu chi phí thiết yếu ngày càng lớn, thì ngưỡng giảm trừ hay biểu thuế cũng cần cập nhật linh hoạt, công bằng hơn.
Tôi không hề né thuế. Nhưng làm thêm ngày nghỉ, tăng lương danh nghĩa… cuối cùng, vẫn có cảm giác bị 'bào mòn' bởi mức sống đắt đỏ và biểu thuế ít thay đổi chị Linh bày tỏ.
Ngoài tiền thuê nhà và học phí thạc sĩ, chị Linh còn phải trang trải viện phí cho đợt mắc cúm A cùng với sốt xuất huyết vừa qua. Nếu khoản chi phí y tế này được tính vào diện giảm trừ thuế, tôi sẽ bớt áp lực. Nhưng luật hiện tại chưa cho phép, chị nói.
Nói về nỗi niềm sốc thuế của những người lao động như chị Linh, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại các chính sách giảm trừ trước khi tính TNCN cho một số chi phí thiết yếu.
Theo hướng đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế khẳng định, nên coi các khoản chi hợp lý, hợp pháp như khám chữa bệnh, học tập nâng cao tay nghề hay lãi vay mua nhà… là khoản được giảm trừ trước khi tính thuế.
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia thuế TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng đồng quan điểm: Luật thuế TNCN mới nên cho phép giảm trừ trước khi tính thuế với các khoản chi liên quan đến y tế, giáo dục và nhà ở, dựa trên chứng từ hợp lệ do người nộp thuế cung cấp.
“Ví dụ, người nộp thuế cho con đi học ở nước ngoài, nếu đủ chứng từ thì nên được giảm trừ. Khoản chi phí khám, chữa bệnh cho chính bản thân và người thân trong gia đình, sau khi trừ chi phí bảo hiểm chi trả, cũng nên giảm trừ. Tương tự, với khoản lãi vay mua nhà trả góp, chúng ta cũng nên tính đến việc cho phép trừ khỏi thu nhập trước khi đánh thuế,” ông Tú nhấn mạnh.
Áp dụng thực tế - chia sẻ gánh nặng với người lao động
Nguyên tắc của thuế thu nhập cá nhân là: “Thu nhập - chi phí = thu nhập chịu thuế”. Các chuyên gia cho rằng, trong thực tế, người lao động thường phải dành phần lớn thu nhập để chi trả các nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh). Việc đánh thuế nặng khi họ còn phải xoay xở với lãi vay mua nhà, học phí cao hay phí khám chữa bệnh tốn kém… dường như chưa phản ánh đúng bản chất thu nhập “thực”.
TS Nguyễn Ngọc Tú gợi ý: có thể triển khai chính sách theo hướng Nhà nước và người dân cùng làm. Ví dụ, với tiền lãi vay mua nhà trả góp, có thể quy định mức giảm trừ tối đa hoặc tỷ lệ hỗ trợ (chẳng hạn 50% số lãi vay trả góp hàng tháng). Tương tự, lĩnh vực y tế và giáo dục cũng được nghiên cứu để áp dụng các mức giảm trừ phù hợp.
Kỳ vọng thay đổi trong chính sách thuế thu nhập cá nhân
Câu chuyện của chị Phạm Thị Linh chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy gánh nặng của thuế TNCN đối với người lao động thành thị, nơi mức sống cao, nhu cầu chi tiêu lớn. Theo đuổi chính sách thuế mới, có tính đến giảm trừ chi phí thiết yếu, không chỉ giúp giảm áp lực mà còn khuyến khích người dân nâng cao trình độ (chi cho học tập) và đảm bảo an sinh (chi cho khám chữa bệnh, mua nhà ở).
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, mức sống ở các đô thị ngày một tăng, hy vọng Luật Thuế TNCN thế hệ mới sẽ kịp thời điều chỉnh, để tạo động lực thay vì kìm hãm những nỗ lực vươn lên chính đáng của người lao động.
Minh Ánh