Lào Cai chú trọng đầu tư hạ tầng cửa khẩu thúc đẩy giao thương - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2024-12-03 09:59:00
- OTHER
Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước trong khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, Lào Cai giữ vị trí quan trọng, làm “cầu nối” các dòng hàng hóa hai chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á. Địa phương này đã và đang nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu, gắn với phát triển logistics và kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy giao thương.
Khơi thông dòng chảy hàng hóa
Có thể thấy, trong 4 địa phương của Việt Nam (gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai là địa phương có giao thương sầm uất nhất.
Ở Lào Cai, địa bàn xuất nhập khẩu sôi động nhất chính là cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Được đưa vào hoạt động năm 2012, đến nay, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành là một trong số ít cửa khẩu ở biên giới phía Bắc đạt kim ngạch giao thương tỷ đô/năm.
Những ngày giữa tháng 11/2024, phóng viên Tạp chí Hải quan có dịp chứng kiến hình ảnh giao thương nhộn nhịp ở cửa khẩu quốc tế đường bộ số II kim Thành.
Từ khu vực chợ Cốc Lếu (trung tâm TP Lào Cai) di chuyển dọc theo sông Hồng ra cửa khẩu, sau khoảng 5 km, chúng tôi có mặt ở cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Hình ảnh đầu tiên ập vào mặt chúng tôi là những con đường rộng rãi được thảm nhựa hoặc bê tông, trong khu vực cửa khẩu là những bãi kiểm tra hàng hóa rộng rãi. Dù mới sáng sớm những rất nhiều xe tải, xe container được sắp xếp ngay ngắn để làm thủ tục thông quan.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) Phạm Văn Phúc chia sẻ: cửa khẩu quốc đế đường bộ số II Kim Thành – Hà Khẩu (Trung Quốc) được hai bên (lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc) mở cửa làm thủ tục thông quan từ 7 giờ sáng hằng ngày (giờ Việt Nam).
Bình quân mỗi ngày có khoảng 300 – 400 xe được doanh nghiệp làm thủ tục để thông quan. Do đặc thù hàng hóa qua địa bàn chủ yếu là nông sản nên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và không để ùn ứ ở cửa khẩu, Chi cục nỗ lực để thông quan hết các xe được mở tờ khai trong ngày.
Đầu tư hạ tầng hoàn thiện
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai, hệ thống cửa khẩu trên địa bàn gồm: cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Cầu Hồ Kiều 2 bắc qua sông Nậm Thi) có chức năng giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân của hai nước Việt Nam, Trung Quốc (khách du lịch, cư dân biên giới) và giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho công dân của nước thứ ba.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (cầu Kim Thành bắc qua sông Hồng) có chức năng chính thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa thương nhân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Đây chính là cửa khẩu chủ lực về xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn này luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tại Lào Cai còn có cửa khẩu quốc tế đường sắt kết nối từ ga Lào Cai đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) với chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa; cửa khẩu Bản Vược, Mường Khương và các lối mở biên giới.
Ông Bùi Hữu Thiết, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cho biết: để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, Lào Cai hết sức chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu một cách hoàn thiện, đồng bộ.
Gần đây, năm 2023, đã đưa vào khai thác và vận hành nhiều công trình như Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành).
Đáng chú ý, tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã được đầu tư hệ thống bến bãi đỗ xe xuất nhập khẩu hàng hoá rộng hàng chục hécta, dự án hạ tầng mạng LAN, camera AI, barie thông minh; di chuyển, lắp đặt cầu cân…
Nhờ đó đã góp phần hiện đại hóa hạ tầng cửa khẩu, tạo chuyển biến, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.
Ngoài ra, mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai đã hoàn thiện và đưa vào vận hành cổng kiểm soát số 1 (2 làn xuất cảnh, 3 làn nhập cảnh) nằm trong dự án hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ công tác phân luồng tại cửa khẩu Kim Thành kể từ ngày 1/11/2024.
Việc vận hành phương án phân luồng theo 5 làn với mục tiêu thông quan được 500 phương tiện xuất và 500 phương tiện nhập/ngày không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành mà còn góp phần giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc phương tiện trên cầu đường bộ bắc qua sông Hồng, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn chung cho cầu đường bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài bền vững với xu thế không ngừng tăng nhanh khối lượng và phương tiện hàng hoá xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai.
Dư địa rộng lớn
Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Lào Cai sẽ được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế.
Mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương gồm: Bản Quẩn – Sơn Yêu thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu; Na Lốc – Mã Hoàng Pao thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu; Lồ Cô Chin – Lao Kha thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương – Kiều Đầu; Hóa Chư Phùng – Seo Pả Chư thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương – Kiều Đầu; Lũng Pô – Lũng Pô Chải thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược – Pả Sa; Y Tý – Ma Ngán Tý thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược – Pả Sa.
Ngày 19/6/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1199/QĐ-TTg.
Tại Kế hoạch, tỉnh Lào Cai đã đưa ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn và lộ trình triển khai các dự án trọng điểm về hạ tầng ở cửa khẩu với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.800 tỷ đồng chi từ nguồn ngân sách tỉnh và vốn khác.
Đáng chú ý là dự án hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu Bản Vược 3.100 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật khu cửa khẩu Kim Thành là 180 tỷ đồng; hạ tầng cửa khẩu Mường Khương và các lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa là 500 tỷ đồng...
Mục tiêu mà địa phương này hướng tới là sớm xây dựng Lào Cai trở thanh trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc). Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng lớn, hiện đại như nâng cấp tuyến cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, xây dựng cảng hàng không Sa Pa, đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc), xây dựng cầu đường sắt qua sông Nậm Thi nối giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, xây dựng trung tâm logistics hiện đại (quy mô khoảng 614 ha) tại khu vực Kim Thành – Bản Vược...