Jeff Bezos ngừng hỗ trợ nhóm khí hậu: Các tỷ phú 'khuất phục' trước ông Trump? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-08 16:37:00
- OTHER
Bezos Earth Fund - Quỹ khí hậu và đa dạng sinh học trị giá 10 tỷ USD của tỷ phú Jeff Bezos đã ngừng tài trợ cho một trong những tổ chức chứng nhận khí hậu quan trọng nhất thế giới, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng các tỷ phú Mỹ đang khuất phục trước Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bezos Earth Fund chuyển hướng tài trợ
Theo đó, Bezos Earth Fund đã ngừng hỗ trợ cho sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi), một tổ chức quốc tế đánh giá xem các công ty có đang giảm phát thải carbon theo thỏa thuận Paris hay không.
Bezos Earth Fund cùng với Quỹ Ikea là hai đơn vị tài trợ cốt lõi của SBTi, chiếm 61% tổng số tiền tài trợ của tổ chức này vào năm ngoái.
Người phát ngôn của Bezos Earth Fund và SBTi cho biết khoản tài trợ 18 triệu USD là cam kết trong 3 năm đã hết hạn theo thỏa thuận trước đó và Bezos Earth Fund vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về khoản hỗ trợ trong tương lai.
Tỷ phú Jeff Bezos đang tích cực làm thân với ông Trump.
Người phát ngôn của SBTi cho biết: Khoản tài trợ ươm tạo 3 năm dành cho SBTi vào năm 2021 do Bezos Earth Fund cấp được thiết kế để giúp chúng tôi mở rộng quy mô theo tốc độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu đặc biệt đối với các dịch vụ của chúng tôi. Khoản tài trợ đã hết hạn vào năm 2024 như đã thỏa thuận ban đầu.
Quỹ Bezos vốn là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho các tổ chức khí hậu, bao gồm Viện Tài nguyên Thế giới (WRI). Quỹ cũng đã hợp tác với các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Meta và Google để tài trợ cho Nghị định thư Khí nhà kính – một cơ quan giám sát kế toán carbon tự nguyện do WRI đồng quản lý.
Sau động thái trên, các nhà nghiên cứu quen thuộc với SBTi, cũng như các cố vấn tại tổ chức này, đã nêu lên mối lo ngại rằng việc ngừng hỗ trợ này là một phần của xu hướng rộng hơn là những cá nhân giàu có đang rời xa các mục đích tài trợ mà Tổng thống Trump không đồng tình. Ông Trump trước đây đã gọi biến đổi khí hậu là trò lừa bịp.
Bà Kelly Stone, một nhà phân tích chính sách cấp cao tại ActionAid USA, cho biết việc Bezos Earth Fund ngừng tài trợ cho SBTi là thực sự đáng thất vọng, nhưng không quá bất ngờ vào thời điểm này.
Bà mô tả động thái này là một phần của làn sóng doanh nghiệp từ bỏ tham vọng xanh. Bà cho biết: Chúng ta đang chứng kiến sự rút lui lớn khỏi nhiều cam kết về khí hậu này từ các tác nhân tài chính và doanh nghiệp lớn nhất.
Cùng với ông chủ Meta Mark Zuckerberg và nhiều tỷ phú công nghệ khác, Jeff Bezos đang tích cực làm thân với ông Trump, khi nhóm Big Tech đã phải đối mặt với áp lực từ chính phủ Mỹ liên quan đến chống độc quyền, các thỏa thuận kinh doanh và trí tuệ nhân tạo.
Theo nhận định của các nhà quan sát, nếu dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, các tỷ phú công nghệ thường thành lập quỹ từ thiện và dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề khí hậu thì giờ đây, dường như họ đang phải cân nhắc rất kỹ trước khi hành động về biến đổi khí hậu tại Mỹ.
Ông Peter Riggs, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Pivot Point của Mỹ, cho biết ông lo ngại về cách thức điều này sẽ tác động đến đầu tư xanh nói chung và đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng, bởi vì rõ ràng tín hiệu từ Washington hiện nay rất mạnh mẽ rằng năng lượng tái tạo và các loại phương pháp tiếp cận không carbon hoặc carbon thấp khác đang bị ngăn cản. Thậm chí không phải là chúng đang bị gạt ra ngoài lề, mà là chúng đang bị phá hủy hoàn toàn.
Các đề cập đến cuộc khủng hoảng khí hậu cũng đã bị xóa hoặc hạ cấp trên các trang web của chính phủ Mỹ.
Ông Trump đảo ngược chính sách khí hậu
Trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng trước, 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA).
NZBA là một sáng kiến toàn cầu do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI) khởi xướng vào năm 2021. Mục tiêu của liên minh này là huy động các ngân hàng trên toàn thế giới cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động tài trợ, đầu tư và vận hành, hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chính quyền ông Trump mới đây cũng đã hủy bỏ cam kết 4 tỷ USD của Mỹ cho Quỹ Khí hậu Xanh lớn nhất thế giới (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên quay trở lại tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump đã ban hành sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris có sự tham gia của gần 200 quốc gia trên thế giới và có hiệu lực vào năm 2016. Đây là một thỏa thuận toàn cầu hướng tới mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Việc quốc gia có mức phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới rút khỏi các nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đã lập tức gây ra nhiều tranh cãi.
Ngoài sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, ông Trump cũng thu hồi sắc lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden về mục tiêu 50% doanh số xe mới vào năm 2030 tại Mỹ phải là xe điện.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng bãi bỏ nhiều biện pháp nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tiếp tục ủng hộ các công ty dầu mỏ lớn. Mỹ hiện là quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới và sản lượng dầu của quốc gia này đã đạt mức kỷ lục dưới thời ông Joe Biden. Những yếu tố này có thể gây cản trở cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden đã thúc đẩy.
Chính quyền ông Trump mới đây cũng đã hủy bỏ cam kết 4 tỷ USD của Mỹ cho Quỹ Khí hậu Xanh lớn nhất thế giới, tác động tới sáng kiến của Liên hợp quốc giúp hơn 100 quốc gia thích ứng với thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Quỹ Khí hậu Xanh được thành lập vào năm 2010 để chuyển tiền tài trợ cho các chương trình năng lượng sạch và thích ứng với khí hậu trên khắp thế giới đang phát triển. Kể từ đó, quỹ đã phê duyệt các dự án trị giá 16 tỷ USD.
Năm 2023, chính quyền ông Biden đã cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho quỹ. Con số này tương đương với cam kết của chính quyền ông Obama và đưa Mỹ trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho quỹ với 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ cung cấp 2 tỷ USD trong số tiền đã hứa, còn lại 4 tỷ USD trong các quỹ chưa thanh toán.
Theo The Guardian
Mộc An