IDP: Đằng sau kế hoạch lợi nhuận lao dốc của Sữa Quốc Tế Lof - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-03-10 15:51:00
  • Thực phẩm và đồ uống

Sữa Quốc Tế Lof lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế khoảng 360 tỷ đến 440 tỷ đồng, giảm 50% - 59%. Một phần do dự án nhà máy sữa Lof Bình Dương bắt đầu đi vào vận hành.

Sữa

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, HĐQT Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế Lof (mã: IDP) dự kiến trình chỉ tiêu kinh doanh gồm doanh thu thuần 8.400 tỷ đến 8.800 tỷ đồng, tăng 10% - 14% so với thực hiện 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 360 tỷ đến 440 tỷ, giảm 50% - 59%. Nếu không thể vượt qua, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty tính từ 2020.

Đáng lưu ý, vào quý cuối năm trước, lợi nhuận Sữa Quốc Tế Lof lao dốc về 64,4 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2023. Đây là điều khá bất ngờ bởi công ty luôn ghi nhận lợi nhuận mỗi quý khoảng 150 tỷ đến 200 tỷ đồng, kể từ 2020 đến nay chưa quý nào bị xuống dưới mốc 100 tỷ.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao trong khi doanh thu vẫn tăng, biên lợi nhuận gộp duy trì ở vùng 42%. Cụ thể, chi phí bán hàng của công ty tăng từ 466 tỷ lên 760 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 3 lên 86,5 tỷ đồng. Công ty cho biết đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng, marketing trong kỳ.

Lũy kế cả năm, doanh thu Sữa Quốc Tế Lof tăng 7.658 tỷ đồng, tăng 15% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 5,3% xuống 875 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty không hoàn thành mục tiêu doanh thu (7.800 – 8.000 tỷ đồng) nhưng cơ bản đạt mục tiêu lợi nhuận (850 – 950 tỷ đồng).

Ngoài 2 nhà máy đang hoạt động ở Ba Vì và Củ Chi với tổng công suất 300.000 sản phẩm/năm, công ty đang thúc đẩy tiến độ một nhà máy khác ở Bình Dương. Vào năm 2022, doanh nghiệp thành lập Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế - chi nhánh Bình Dương để xây dựng nhà máy tổng đầu tư 2.800 tỷ đồng với 2 giai đoạn. Sản phẩm hướng tới gồm sản phẩm từ sữa, đồ uống không cồn, nước khoáng…

Năm 2024 đánh dấu tiến triển lớn từ dự án, tổng giải ngân đạt hơn 1.300 tỷ đồng, gấp 2,2 lần đầu năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án được kỳ vọng đưa vào hoạt động từ quý I năm nay.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, Sữa Quốc Tế Lof muốn đổi tên dự án thành chi nhánh Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế Lof – nhà máy sữa Lof Bình Dương. Đồng thời, doanh nghiệp đặt tham vọng lớn hơn cho dự án khi nâng tổng vốn đầu tư gấp 2,4 lần lên 6.500 tỷ đồng, tổng công suất khoảng 685.000 tấn sản phẩm các loại (trước đó 300.000 tấn sản phẩm). Trong đó, giai đoạn 1 gồm 250.000 tấn sản phẩm từ sữa và 50.000 tấn sản phẩm đồ uống mỗi năm, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý I/2025. Giai đoạn 2 gồm 286.000 tấn sản phẩm từ sữa, 98.500 tấn sản phẩm đồ uống và 500 tấn thực phẩm khác, đưa vào hoạt động từ quý II/2027.

Một khi dự án đưa vào hoạt động, công ty sẽ tốn các chi phí vận hành ban đầu trong khi hiệu quả kinh doanh mang lại chưa đủ bù đắp. Đây có thể là lý do khiến ban lãnh đạo IDP đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận giảm sâu.

Mặt khác, công ty duy trì tỷ lệ chia cổ tức cao 60% - 85% giai đoạn 2021 – 2023. Với 2024, HĐQT trình phương án chia cổ tức thành 2 đợt. Đợt 1 đã thanh toán tỷ lệ 50%, đợt 2 ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia, thời gian, phương thức chi trả. Cổ tức năm 2025 dự kiến tỷ lệ từ 50% đến 80% bằng tiền mặt. Do vậy, dù lãi lớn nhưng nguồn tích lũy không nhiều, công ty phải dùng đến nợ vay để xây dựng nhà máy.

Tại cuối năm 2024, tổng nợ vay của công ty là 2.113 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm. Chi phí lãi vay 2024 chưa tăng nhiều khả năng do đã vốn hóa vào dự án, khi dự án bắt đầu đi vào vận hành thì chi phí này có thể tăng lên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Năm 2024 là năm đánh dấu sự thay đổi lớn với IDP. Vào đầu năm, công ty vừa bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Sang làm Tổng Giám đốc thay bà Đặng Phạm Minh Loan. Bà Minh Loan làm CEO Sữa Quốc Tế Lof vào cuối 2018 – thời điểm công ty thua lỗ nặng nề đến mức âm vốn chủ sở hữu. Trước đó, bà đóng vai trò là người giám sát khoản đầu tư của VinaCapital vào IDP (Chủ tịch HĐQT).

Không chỉ vậy, bà Loan còn là một trong 4 cổ đông lớn sau đợt thay máu năm 2020. Nhóm cổ đông VinaCapital rút vốn, nhóm mới gồm Công ty cổ phần Blue Point, Chứng khoán Vietcap và Công ty cổ phần Lothamilk và bà Đặng Phạm Minh Loan.

Vào tháng 8/2024, sau 4 năm nắm giữ, bà Loan lần đầu bán cổ phiếu IDP. Trong vòng 2 tháng, cựu CEO bán 350.000 cổ phiếu, giảm sở hữu từ hơn 3 triệu đơn vị về 2,7 triệu đơn vị.   

Đối với việc thay CEO, bà Loan cho biết công ty đang ở giai đoạn mới cần tìm một CEO chuyên nghiệp. Ông Bùi Hoàng Sang đã có thời gian làm việc tại công ty và chứng tỏ được năng lực tốt trong việc tư vấn, thực thi chiến lược.

Cũng tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, công ty đã đổi tên từ Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế sang Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế Lof. Đồng thời, công ty đổi trụ sở chính từ Bắc vào Nam. Cụ thể, công ty chuyển trụ sở chính từ thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đến Lô C-13A-CN, đường N16, khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Cùng với đó, công ty có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh. Bên cạnh thương hiệu sữa làm nên tên tuổi như Kun, sữa Ba Vì, sữa LIF…, năm qua Sữa Quốc Tế Lof ra mắt thương hiệu Lof và Lof Malto, đưa ra nhiều sản phẩm mới như Kun Sữa tươi 100%, Sữa thạch Kun Kun, Bánh gạo dinh dưỡng Kun… Doanh nghiệp tham vọng xây dựng sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi.

NGỌC ĐIỂM