Hàng chục tỉ USD hàng nhập khẩu không thuế - cuộc chơi bất bình đẳng với doanh nghiệp Việt - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-06-01 21:14:00
  • OTHER

Cần xây dựng hệ thống thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử, tạo cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp Việt.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250601/images/Thue-Thuong-Mai-Dien.jpeg

Cần xây dựng hệ thống thuế với hàng nhập khẩu toàn diện tạo cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp Việt. Ảnh: VGP

Trong khi doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hoá phải đóng đầy đủ các loại thuế và tuân thủ các giấy phép, điều kiện, hàng hoá xuyên biên giới lại có thể vào thị trường nước ta qua thương mại điện tử lại không chịu bất kỳ nghĩa vụ nào. Một cuộc chơi không cân xứng đang diễn ra ngay trong sân nhà.

Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông Phạm Văn Hùng - chuyên viên luật và chính sách công. Ông Hùng đang công tác tại Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Một doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước, họ cần nhập khẩu nguyên liệu, máy móc về. Doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu này. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm - một thủ tục bắt buộc trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Một doanh nghiệp khác nhập khẩu mỹ phẩm nước ngoài về phân phối, họ cũng phải đóng thuế nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm.

Như vậy, dù sản xuất hay nhập khẩu phân phối, doanh nghiệp Việt Nam đều phải đóng đầy đủ các loại thuế và tuân thủ các giấy phép, điều kiện theo pháp luật Việt Nam.

Nhưng nghịch lý là, cùng loại sản phẩm đó, một thương nhân nước ngoài bán hàng xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử, hàng hoá không chịu thuế nhập khẩu, và cũng không cần thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm.

Một cuộc chơi bất bình đẳng diễn ra ngay trên sân nhà: doanh nghiệp nội chịu đầy đủ nghĩa vụ thuế và thủ tục, hàng xuyên biên giới lại không chịu các nghĩa vụ này.

Trong khi doanh nghiệp nội chịu đầy đủ nghĩa vụ thuế và kiểm định, hàng ngoại lại được ưu ái không thuế, không thủ tục.

Đây không phải trường hợp cá biệt.

Theo Bộ Công Thương, mỗi tháng có hơn 1 tỉ USD hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thông qua 4 sàn thương mại điện tử lớn. Mỗi ngày, khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng nhỏ được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, chủ yếu là hàng tiêu dùng giá trị thấp.

Tại sao miễn thuế?

Chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hoá giá trị nhỏ đã thực hiện từ lâu.

Công ước Kyoto năm 1973 về hài hoà và đơn giản hoá thủ tục hải quan, Nghị định thư sửa đổi đã yêu cầu các quốc gia phải quy định trị giá tối thiểu không thu thuế hải quan và thuế khác. Thực hiện cam kết này, Việt Nam đã ban hành Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về việc miễn thuế với hàng hoá từ 1 triệu đồng trở xuống.

Pháp luật thuế xuất nhập khẩu cũng quy định miễn thuế nhập khẩu với hàng hoá gửi qua chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống.

Các quy định trên xuất phát từ một nguyên lý đơn giản: với hàng hoá giá trị nhỏ, chi phí hành thu có thể lớn hơn nhiều so với số tiền thuế có thể thu được.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, chính sách này trở nên không còn phù hợp nữa. 27.700 tỉ đồng là tổng giá trị hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Việc miễn thuế nhập khẩu không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo ra sự bất công cho doanh nghiệp trong nước.

Muốn thu thuế, không thể dùng cách cũ!

Vấn đề không phải nằm ở việc thu hay không thu, mà sử dụng cách nào để thu. Hiện nay, hệ thống hải quan truyền thống dựa trên mã HS gồm 6-8 chữ số phân loại chi tiết từng loại hàng hóa. Hệ thống này phù hợp với hoạt động nhập khẩu hàng container lớn, danh mục ổn định.

Nhưng với thương mại điện tử, mỗi chuyến hàng nhập khẩu gồm hàng trăm, ngàn sản phẩm, đủ chủng loại với mã HS khác nhau. Nếu áp dụng nguyên cho thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ nảy sinh nhiều bất cập: khó khăn trong việc xác định mã HS cho từng đơn hàng nhỏ, đồng thời mỗi chuyến lại có quá nhiều mã HS cần xử lý, dẫn đến khó khăn trong thông quan, gây chậm trễ giao hàng, thiệt hại cho cả người bán và người tiêu dùng.

Vấn đề cần giải quyết là làm sao thu đúng mà lại hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Một mô hình có thể học hỏi là Canada. Nước này đã triển khai hệ thống phân loại hải quan đơn giản cho hàng thương mại điện tử từ năm 2012. Theo đó, thay vì yêu cầu xác định mã HS chi tiết, nước này nhóm hàng hóa vào các “giỏ” theo công dụng hoặc ngành hàng, áp dụng mức thuế suất cố định:

Giỏ 1: Quần áo, giày dép, hàng dệt may với thuế suất 20%

Giỏ 2: Mỹ phẩm, gốm sứ, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nhựa… với thuế suất 8%

Giỏ 3: Thiết bị điện, điện tử, đồ chơi… và cho miễn thuế

Nhờ cách làm này, Canada rút gọn gần 5.400 mã HS về chỉ còn 3 nhóm chính, giúp đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí hành chính, mà vẫn thu đủ thuế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là hiện thực mà chúng ta cần đối mặt. Nếu tiếp tục chính sách hiện tại, chính chúng ta vô tình tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp nội, vừa gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đã đến lúc thay đổi chính sách này, xây dựng một hệ thống thuế nhập khẩu cho thương mại điện tử - đơn giản, minh bạch, có thể thực hiện tự động.

Link gốc