Giăng bẫy lừa người thuê trọ trên mạng xã hội - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-05-28 18:41:00
- OTHER
Lợi dụng nhu cầu thuê trọ của nhiều người, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để giăng bẫy lừa tiền đặt cọc, khiến không ít trường hợp mất tiền.
Em Uyên Thy cho biết, trong quá trình tìm trọ đã gặp nhiều trường hợp yêu cầu cọc tiền trọ bằng hình thức chuyển khoản và bản thân đã bị lừa tiền cọc. Ảnh: Hàn Nguyên
Lừa đảo tràn lan, chiếm sóng các nhóm thuê trọ
Tháng 7.2024, trong khi di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội về Huế để ổn định công việc, chị Dương Thị Thùy Trang tình cờ thấy bài đăng cho thuê trọ của tài khoản Facebook “Minh Nhật”. Những hình ảnh nhà trọ đăng tải sạch sẽ, khang trang, lại ghi rõ là “chính chủ”, giá hợp lý và đặc biệt có thông tin nhiều đồng nghiệp của chị Trang đã từng thuê tại đây khiến chị thêm tin tưởng.
Chị Dương Thị Thùy Trang khi thuê phòng trọ qua Facebook đã bị lừa một số tiền. Ảnh: Hàn Nguyên
Không may, khi chị Trang vừa gửi cọc 1 triệu đồng để giữ phòng thì người cho thuê lập tức chặn liên lạc. Kiểm tra lại sau đó, chị mới phát hiện mọi thông tin địa chỉ, hình ảnh, số điện thoại đều là giả mạo.
“Họ biết tôi đang làm gì, ở đâu để đánh trúng tâm lý. Mất 1 triệu đồng không chỉ là thiệt hại kinh tế mà còn khiến tôi rơi vào trạng thái bất an, mất niềm tin khi tiếp tục đi tìm phòng”, chị Trang chia sẻ.
Sau khi bị lừa, chị Thùy Trang đã đăng bài thông tin với cộng đồng cảnh giác với đối tượng lừa đảo. Ảnh: Nguyễn Luân
Tình huống của em Nguyễn Ngô Uyên Thy - một học sinh lớp 12 tại Vũng Tàu ra Huế học và làm thêm - cũng cho thấy chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi.
Tháng 2.2025, Thy liên hệ tài khoản “Anh Minh Phòng Trọ” trên Facebook để thuê trọ. Sau khi gửi 400.000 đồng tiền cọc, người cho thuê tiếp tục yêu cầu thêm 600.000 đồng để làm giấy tờ. Khi Thy tìm đến địa chỉ cho thuê và phát hiện đó là dãy trọ thật nhưng cũ kỹ, không giống ảnh, thì người cho thuê sau đó viện cớ “đang nhập viện” rồi chặn liên hệ.
“Với nhiều người 1 triệu đồng có thể là số tiền nhỏ, nhưng với em là rất lớn. Em phải làm thêm, xin ứng lương để có tiền đặt cọc, vậy mà lại bị lừa mất hơn một nửa”, Thy nói.
Thủ đoạn tinh vi
Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên trong vai người cần thuê phòng trọ đã tiếp cận một số tài khoản lừa đảo.
Khi thấy tài khoản Facebook tên “Hana Phạm” đăng bài cho thuê phòng trên nhóm “Phòng Trọ Huế”, phóng viên nhắn tin liên hệ, thì được cho địa chỉ nhà trọ là 8/17 kiệt 36 Trần Quang Khải (phường Phú Hội, quận Thuận Hóa, TP Huế). Để tạo niềm tin, tài khoản “Hana Phạm” đưa ra hình ảnh phòng trọ đẹp, đầy đủ tiện nghi, giá 1,5 triệu đồng/tháng. Trên tài khoản cá nhân này có nhiều hình ảnh của một cô gái với các hoạt động đời thường, khiến người xem có cảm giác tin tưởng là tài khoản chính chủ.
Tài khoản Facebook Hana Phạm dẫn dụ người thuê chuyển tiền cọc bằng chiêu trò sử dụng “người thứ 3” nhằm đánh vào tâm lý nóng vội, sợ mất phòng. Ảnh: Nguyễn Luân
Chỉ sau ít phút tìm hiểu, tài khoản “Hana Phạm” báo có khách khác sắp cọc nhưng sẽ hủy nếu chúng tôi chuyển cọc 1 triệu đồng trước. Kèm theo đó là hình chụp đoạn chat với người tên “Tran Van Minh” đang xin thuê và sẵn sàng cọc tiền.
Người này gửi số tài khoản ngân hàng mang tên Pham Thi My Hanh, đồng thời liên tục nhắn tin hối thúc chuyển tiền. Nhưng khi phóng viên đặt một số câu hỏi, thì lập tức bị chặn liên lạc và tài khoản facebook “Hana Phạm” cũng bị xóa ngay sau đó.
Tiếp đó, phóng viên liên hệ một Facebook khác tên “Kimm Yến” – người đăng bài cho thuê phòng ở 120 Ngự Bình (phường An Cựu, quận Thuận Hoá, TP Huế). Cũng với chiêu thức tương tự tài khoản Facebook “Hana Phạm”, “Kimm Yến” thông báo đã có người cọc nhưng sẽ huỷ nếu nhận được 700 nghìn đồng tiền cọc từ chúng tôi. Lần này số tài khoản được gửi đến tên Nguyen Hoang Long (nhân vật thứ 3 được Yến dẫn dắt cho chúng tôi biết là bố của Yến).
Hội thoại giữa phóng viên và Zalo Kimm Yến. Ảnh: Nguyễn Luân
Khi không nhận được tiền, đối tượng liên tục nhá máy, nhắn tin hối thúc dồn dập và sau đó chặn liên lạc. Tài khoản Facebook, Zalo cũng “bay màu” nhanh chóng…
Riêng Đại học Huế hiện có khoảng 60.000 sinh viên, mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh hàng nghìn người. Nắm bắt được tâm lý muốn tìm trọ nhanh, giá rẻ, tiện nghi của nhiều người, đặc biệt là các tân sinh viên, các đối tượng đã dựng lên những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người thuê.
Từ cuối năm 2023 đến gần giữa năm 2025, nhiều bài viết “bóc phốt” các đối tượng lừa đảo tiền đặt cọc thuê trọ xuất hiện trên các nhóm Facebook thuê trọ tại Huế, nhưng nhiều người vẫn bị lừa dối, mất tiền oan.
HÀN NGUYÊN - NGUYỄN LUÂN