FDI vào bất động sản Việt Nam tăng, vì sao? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2024-12-18 14:41:00
  • OTHER

Bất chấp dòng vốn FDI toàn cầu giảm, FDI vào bất động sản Việt Nam vẫn tăng, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường trăm triệu dân.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241218/images/phoi-canh-eaton-park-2-154403.jpg

Dự án Eaton Park của Gamuda Land. Ảnh: GL

Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là ngành bán buôn, bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.

Một số dự án đáng chú ý mở bán trong năm 2024 có dòng vốn FDI là Eaton Park của Gamuda Land và Opus One của Samty. Eaton Park là khu căn hộ cao cấp có quy mô 6 tòa tháp, được xây dựng trên khu đất có diện tích 3,68 hecta.

Dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường bất động sản khoảng 2000 sản phẩm, bao gồm căn hộ 1PN, 2PN, 3PN và shophouse thương mại với diện tích đa dạng và thiết kế thông minh, phù hợp với hầu hết các nhu cầu khách hàng hiện đại.

Trong khi đó, Opus One đánh dấu sự hợp tác giữa Vinhomes và tập đoàn Nhật Bản Samty. Dự án toạ lạc trong khu phức hợp Vinhomes Grand Park TP. Thủ Đức với giá bán khởi điểm từ 5,6 tỷ một căn hộ 2 phòng ngủ.

Theo các chuyên gia, mức tăng FDI chậm phản ánh đúng thực tế khi kinh tế Việt Nam có độ mở và dòng vốn FDI trên toàn cầu đã suy giảm trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) do bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị.

Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn tích cực và họ tiếp tục rót vốn vào các dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép tại đây. Điều này được chứng minh qua tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Với đà tăng này, cộng với nỗ lực giải ngân vốn FDI dịp cuối năm, nhiều khả năng đến cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm ngoái và đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019-2024.

Cầu vượt cung

Đáng chú ý, trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn (vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,7% so với cùng kỳ) và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản. Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,63 tỷ USD.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định: Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần (I&L), nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Do đó, những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo vị chuyên gia này, những thay đổi to lớn trong năm 2024 về chính sách, xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để tiếp tục giữ tầm nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam. Do đó, khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Liên Thượng-Link gốc