Đứng tên hộ doanh nghiệp, làm giám đốc ‘dùm’: sắp hết cửa? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-24 10:19:00
  • OTHER

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang tiến một bước dài trong việc minh bạch hóa với đề xuất lần đầu tiên đưa khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” vào luật. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại quy định này có thể vừa làm khó doanh nghiệp thật, vừa không đủ rõ để trị doanh nghiệp giả.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250524/images/chu-phap-ly.jpg

Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã đưa vào khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” để minh bạch hóa tình trạng “góc khuất sở hữu” .

Thêm một “lớp giám sát” sở hữu: vì sao lúc này?

Từ lâu, việc “đứng tên hộ”, từ việc góp vốn hộ, làm giám đốc hộ cho đến việc lập công ty với cấu trúc sở hữu nhiều tầng không phải là điều xa lạ trong giới kinh doanh tại Việt Nam. Mục đích có thể khác nhau: né thuế, che giấu giao dịch nội bộ, tránh các ràng buộc pháp lý, hoặc đơn giản là để bảo mật quyền lực thực sự trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những góc khuất sở hữu này cũng đồng thời là kẽ hở lớn cho các hoạt động như chuyển giá, rửa tiền, thao túng thị trường, thậm chí tạo điều kiện cho tham nhũng và lợi ích nhóm.

Đó là lý do vì sao dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay đã đưa vào khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” (Beneficial Owner). Đây là cá nhân không đứng tên trực tiếp nhưng có quyền kiểm soát hoặc thụ hưởng lợi ích kinh tế từ doanh nghiệp như nắm giữ 25% vốn điều lệ, hưởng trên 25% lợi nhuận hoặc có quyền chi phối các quyết định chiến lược.

Minh bạch sở hữu và rủi ro pháp lý cho các “ông chủ giấu mặt”

Nếu quy định được thông qua, doanh nghiệp sẽ phải kê khai, cập nhật và lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, và cung cấp thông tin này cho cơ quan nhà nước khi được yêu cầu. Đây là yêu cầu nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế, nhất là các khuyến nghị của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế) về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, công ty đa tầng hay nhóm sở hữu chéo, mà còn tác động đến cả những công ty có yếu tố gia đình truyền thống “đứng tên vợ/chồng/người thân” hoặc các mô hình kinh doanh đầu tư chung không có văn bản rõ ràng.

Nếu quy định được áp dụng nghiêm, việc “nhờ người đứng tên hộ công ty”, “thuê giám đốc điều hành để che chắn” sẽ không còn là vùng xám pháp lý nữa. Những cá nhân nắm quyền thực sự nhưng không khai báo đúng sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm còn người đứng tên trên giấy tờ có thể bị xem là đồng phạm nếu để mặc cho việc lợi dụng pháp nhân.

Không chỉ là vấn đề tuân thủ, các doanh nghiệp có cấu trúc sở hữu phức tạp cần đặc biệt lưu ý, bởi việc không minh bạch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng, huy động vốn hoặc gọi đầu tư, đặc biệt là từ các định chế tài chính quốc tế.

Thị trường minh bạch: ai được - ai mất?

Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp lo ngại quy định mới có thể tạo thêm áp lực hành chính không cần thiết, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hoặc doanh nghiệp gia đình. Theo đó, nếu không có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp sẽ rất khó xác định ai là chủ sở hữu hưởng lợi trong các giao dịch phức tạp, hoặc trong mô hình sở hữu đa tầng giữa các công ty liên kết.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật thông tin cũng là mối quan tâm lớn, bởi thông tin về người sở hữu thực sự có thể là dữ liệu nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền riêng tư và chiến lược kinh doanh nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, giới luật sư đề xuất luật nên quy định rõ phạm vi tiếp cận thông tin và trách nhiệm bảo mật của cơ quan quản lý nhà nước.

Ở góc nhìn tích cực, nếu được thiết kế chặt chẽ, quy định về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ giúp tạo ra một thị trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư và ngân hàng khi giao dịch với các pháp nhân “ảo” hoặc không rõ cấu trúc quyền lực nội bộ.

Tuy nhiên, nếu quy định thiếu linh hoạt, không phù hợp với thực tiễn hoạt động của nhiều mô hình doanh nghiệp tại Việt Nam, nó có thể dẫn đến tình trạng “hợp thức hóa hình thức”, trong khi thực chất sở hữu vẫn bị che giấu.

Để quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn đồng thời không tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà làm luật cần thiết kế chính sách theo hướng minh bạch nhưng linh hoạt, rõ ràng nhưng thực thi được.

Việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi là một bước tiến đáng ghi nhận, góp phần tạo nền tảng cho môi trường kinh doanh minh bạch, chống rửa tiền và quản trị doanh nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, cần có cách tiếp cận thực tiễn, có trọng tâm, không cào bằng và trên hết, phải tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Link gốc