Dự án trăm tỉ bỏ quên loạt thủ tục môi trường - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2024-12-22 15:35:00
- OTHER
Dự án xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cùng một số phương tiện khác đang gây nhiều phiền toái tới người dân.
Phản ánh tới Lao Động, người dân thành phố Cao Bằng bày tỏ bức xúc khi dự án xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, mỏ cát Đồng Tâm cùng các phương tiện ra vào bãi đổ thải số 2 của thành phố Cao Bằng đang gây bụi bặm và phiền toái trong thời gian dài.
Tại khu vực đường Võ Nguyên Giáp (đường 58) - trục đường chính của thành phố Cao Bằng, đất cát vương vãi khắp mặt đường. Mỗi khi xe tải chạy qua, bụi đất đỏ lại cuộn lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông.
Bụi bặm “kéo ra” đường 58 m - trục kết nối chính của TP Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn
Người dân cho biết, trước đây bụi bặm và đất vương vãi từ bánh xe tải chủ yếu đến từ mỏ cát Đồng Tâm. Tuy nhiên, hiện nay, bụi đất còn phát sinh từ công trình xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng đang được xây mới trên khu đất rộng hơn 3,5 ha tại khu vực Khuổi Kép, thuộc phường Sông Hiến và phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.
Dự án xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng đã “bỏ quên” nhiều thủ tục môi trường. Ảnh: Tân Văn
Dự án này do Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thi công 127 tỉ đồng. Bệnh viện được xây dựng bởi liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng và Công ty TNHH Công nghệ An toàn Thăng Long.
Mặt đường 58 có 8 làn xe, 4 làn bên trong dành cho ôtô, nhưng một nửa đã bị đất cát từ các xe tải vương vãi. Gần đây, trời nắng hanh, mỗi lần xe chạy qua là người dân phải chịu đựng rất nhiều bụi bặm, anh Nguyễn Văn Nghiêm (TP Cao Bằng) bức xúc chia sẻ.
Dự án này đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 881/QĐ-UBND do UBND tỉnh Cao Bằng ký ngày 28.5.2021.
Ở giai đoạn xây dựng, các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước thải, không khí,... đã được nêu rất rõ ràng. Theo đó, để giảm thiểu ô nhiễm nước thải, chủ dự án cần ưu tiên triển khai hệ thống rãnh thoát nước trong khu vực dự án.
Trường hợp bùn đất tràn ra do mưa, chủ dự án cần dọn dẹp, thu gom, làm sạch bùn đất, đồng thời bố trí 2-3 công nhân thường xuyên dọn dẹp và vệ sinh mặt bằng công trường. Không thực hiện thay dầu hoặc sửa chữa máy móc tại khu vực dự án để hạn chế sự rơi vãi của các loại dầu máy có chứa thành phần độc hại ra môi trường.
Ngoài đoạn đường bê tông được tưới nước, các xe ra vào dự án đều không được che chắn hay bố trí chỗ rửa xe, dầu nhớt cũng xuất hiện trên mặt đất. Ảnh: Tân Văn
Đối với không khí, cần tiến hành phun nước tưới ẩm để giảm bụi tại khu vực thi công với tần suất 2 lần/ngày. Dự án cũng phải bố trí khu vực rửa xe ra vào công trường và xây dựng 1 hố lắng dung tích 6 m³. Các xe tưới nước cần phun nước trên tuyến đường vận chuyển qua khu vực thi công và đoạn đường kết nối với tuyến đường 58 với tần suất 2 lần/ngày.
Trong trường hợp đất cát bị lôi kéo, rơi vãi trên tuyến đường qua khu vực đông dân cư, chủ dự án phải cử công nhân thực hiện quét dọn, thu gom và tập kết về bãi thải của dự án.
Bên cạnh đó, chủ dự án và nhà thầu cần triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn các chất thải rắn, nguy hại tác động đến môi trường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV vào ngày 21.12, ngoài việc tưới nước ở đoạn đường nằm cạnh dự án, chủ đầu tư và nhà thầu thi công chính của dự án xây mới Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Cao Bằng dường như đã bỏ quên các biện pháp bảo vệ môi trường còn lại.
Tân Văn