Đồng tiền hai mặt - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-02-15 11:42:00
- OTHER
Nhìn về mặt tích cực, chúng ta cần chấp nhận rủi ro để không bị bỏ lại phía sau. Một nền kinh tế không dám mở rộng, không dám chấp nhận thử nghiệm những điều mới mẻ, thì mãi mãi chỉ là kẻ đi sau.
Nếu không kiểm soát tốt, chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy lạm phát – mất giá – thâm hụt cán cân thương mại, khiến tăng trưởng trở thành ảo ảnh khi người dân mất đi sức mua thực tế. Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu.
Ngồi nhìn dòng tin tức kinh tế những ngày này, tôi cảm nhận rõ sự trăn trở của những người chèo lái nền kinh tế Việt Nam. Một mặt, chúng ta phải thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ để hiện thực hóa giấc mơ Kỷ nguyên vươn mình – nơi Việt Nam không còn chỉ là một điểm đến của lao động giá rẻ mà trở thành trung tâm sáng tạo, công nghệ và giá trị cao. Nhưng mặt khác, chúng ta đối diện với những rủi ro tiềm tàng: áp lực lạm phát, tỷ giá, thị trường tài chính, và đặc biệt là bài toán cân bằng giữa động lực tăng trưởng và sự ổn định dài hạn.
Mặt thứ nhất: Cần tăng tốc để không bị bỏ lại
Chính phủ đang đặt mục tiêu GDP thực tăng trên 8% vào năm 2025 và chấp nhận lạm phát 4,5-5%, tức là tổng mức tăng GDP danh nghĩa có thể lên đến 13%. Điều này không có gì lạ khi ta nhìn sang các quốc gia châu Á từng hóa rồng – từ Hàn Quốc đến Trung Quốc – họ đều đã có những giai đoạn tăng trưởng hai con số trước khi bước vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Nhưng điểm khác biệt là bối cảnh hiện nay không còn giống 20-30 năm trước:
Thứ nhất, chi phí vốn toàn cầu đang đắt đỏ – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa có dấu hiệu hạ lãi suất mạnh, khiến dòng vốn ngoại không còn dễ dàng chảy vào các thị trường mới nổi như trước.
Thứ hai, sự cạnh tranh công nghệ và địa chính trị đang thay đổi cuộc chơi – Khi Trung Quốc tung ra DeepSeek-R1 với chi phí chỉ 5,6 triệu USD, đủ sức làm thị trường NASDAQ mất 1.200 tỷ USD, điều đó cho thấy AI không còn là sân chơi độc quyền của phương Tây. Việt Nam nếu không nhanh chóng đầu tư 2-3% GDP vào khoa học công nghệ, chúng ta có nguy cơ bị mắc kẹt trong chuỗi giá trị thấp.
Thứ ba, thị trường trong nước cần được kích thích – Chỉ khi có tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp mới có niềm tin mở rộng đầu tư, người dân mới dám chi tiêu thay vì giữ tiền vì lo lạm phát.
Nhìn về mặt tích cực, chúng ta cần chấp nhận rủi ro để không bị bỏ lại phía sau. Một nền kinh tế không dám mở rộng, không dám chấp nhận thử nghiệm những điều mới mẻ, thì mãi mãi chỉ là kẻ đi sau.
Mặt thứ hai: Rủi ro không thể làm ngơ
Nhưng cũng dễ hiểu tại sao những người cẩn trọng đang lo lắng. Nếu GDP danh nghĩa theo VND tăng 13%, nhưng GDP danh nghĩa tính theo USD chỉ tăng 5%, điều đó hàm ý VND có thể mất giá khoảng 8%.
Mất giá tiền tệ ở một mức độ hợp lý là chuyện bình thường. Nhưng nếu không kiểm soát tốt, chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy lạm phát – mất giá – thâm hụt cán cân thương mại, khiến tăng trưởng trở thành ảo ảnh khi người dân mất đi sức mua thực tế.
Hãy nhìn lại bài học năm 2008-2011: thời kỳ đó, tăng trưởng tín dụng lên tới 30-40%, nhưng đi kèm là lạm phát hai con số và một cuộc khủng hoảng niềm tin vào tiền đồng. Năm 2025 sẽ khác, nhưng áp lực thì vẫn còn đó.
Một thách thức khác là tác động của thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dự kiến, đến 2027 mới có Luật Thuế TNCN sửa đổi, nhưng trong hai năm tới, khi lạm phát vẫn tăng, mức giảm trừ gia cảnh không đổi thì người lao động sẽ phải chịu thuế cao hơn. Khi thu nhập thực tế giảm, chi tiêu tiêu dùng cũng sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng nội địa.
Và còn một quả bom hẹn giờ khác: thị trường chứng khoán. Nếu VN-Index không thể giữ vững đà tăng trưởng, dòng vốn trong nước không đủ hấp thụ áp lực rút vốn ngoại, thì hệ thống tài chính có thể rơi vào tình trạng mất cân đối. Trong kịch bản xấu nhất, một cú sốc trên thị trường tài chính có thể lan sang toàn bộ nền kinh tế.
Vậy đâu là con đường đúng đắn?
Không có một câu trả lời hoàn hảo. Nhưng có một số nguyên tắc quan trọng mà tôi nghĩ rằng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần cùng nắm bắt:
1. Đầu tư vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số không thể chậm trễ
• Không thể kỳ vọng tăng trưởng bền vững nếu không đặt nền móng vững chắc cho tương lai. Ngành AI, bán dẫn, tự động hóa – nếu chúng ta không nhập cuộc ngay bây giờ, sẽ không còn cơ hội nào khác.
2. Kiểm soát tỷ giá trong biên độ hợp lý, không để VND mất giá quá nhanh
• Có thể chấp nhận mất giá nhẹ để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng không thể để mất niềm tin vào đồng nội tệ.
• Dự trữ ngoại hối cần được quản lý chặt chẽ để can thiệp khi cần thiết.
3. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải có độ linh hoạt cao hơn
• Nếu đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao, thì việc điều chỉnh chính sách thuế (như giảm thuế TNCN sớm hơn) có thể giúp giữ sức mua cho người dân.
• Lãi suất nên được điều chỉnh một cách thông minh, vừa kích thích đầu tư nhưng không tạo ra bong bóng tín dụng.
4. Hỗ trợ thị trường chứng khoán và kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp
• Nếu nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh mà không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thị trường vốn phải đóng vai trò lớn hơn.
• Chính phủ cần tạo ra các chính sách thu hút dòng vốn dài hạn, tránh để thị trường bị cuốn vào những đợt sóng đầu cơ quá mức.
Chúng ta có dám vươn mình?
Kỷ nguyên vươn mình không chỉ là một khẩu hiệu. Nó là lời kêu gọi hành động. Nếu chúng ta không dám chấp nhận rủi ro, không dám thử nghiệm những mô hình mới, thì sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng xoáy của một nền kinh tế gia công. Nhưng nếu vội vã lao vào cuộc đua mà không có chiến lược kiểm soát rủi ro hợp lý, thì thành quả cũng có thể tan biến chỉ trong một cú sốc.
Đồng tiền luôn có hai mặt. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có đủ khôn ngoan để giữ thế cân bằng?