Đợi sóng bất thành, nhà đầu tư đất nền cắt lãi cầu hòa vẫn khó - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-04-08 07:21:00
- OTHER
Mua đất thời kỳ đỉnh sốt, một số nhà đầu tư đất nền do áp lực tài chính đang cắt lãi, cầu hòa nhưng vẫn khó thoát hàng.
Do áp lực tài chính, một số nhà đầu tư đất nền đang cắt lãi cầu hòa nhưng vẫn khó thoát hàng. Ảnh: Anh Huy
Theo thông tin cập nhật từ Tổ Công tác nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại các địa phương trên cả nước, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV cho thấy, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh, thành phố được dự đoán là trung tâm sáp nhập.
Gần 3 tháng qua, anh Nguyễn Mạnh Dần (46 tuổi, ở Hà Nội) - một nhà đầu tư đã có hơn 10 năm kinh nghiệm - đang tích cực rao bán lô đất hơn 100 m2 nằm ở phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với giá 4,7 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư thực sự quan tâm.
Anh Dần cho biết, lô đất trên được anh mua vào cách đây 2 năm, với giá mua vào khá tốt so với mặt bằng giá thời điểm đó. Từ đầu tháng 12 năm ngoái, anh Dần đã chủ động hạ giá rao bán so với giá thị trường thời điểm hiện tại cả trăm triệu đồng nhưng vẫn rất ít khách hỏi.
Nhà đầu tư này chia sẻ: Không biết sốt đất đang lan đến đâu, nhưng đến khu vực của tôi thì chưa có. Mấy tháng trời, bản thân tôi rao bán lô đất để cầu hòa nhưng vẫn bất thành”.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - nhìn nhận, thời gian gần đây, lợi dụng thông tin về việc sáp nhập, nhiều cá nhân, tổ chức đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) để thổi giá, kích thích nhu cầu mua bất động sản.
Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo, bởi những cơn sốt đất theo tin đồn thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ.
Trong khi đó, chia sẻ với PV Lao Động, TS Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá Thị trường bất động sản Việt Nam - nhận định, khi thông tin sáp nhập tỉnh xuất hiện, một số nhóm đầu cơ có thể lợi dụng để thao túng thị trường.
Vị chuyên gia này cho rằng, họ tung tin đồn về quy hoạch, trung tâm hành chính mới nhằm kích thích tâm lý mua vào của nhà đầu tư.
Tiếp đó, họ thực hiện các giao dịch nội bộ để tạo hiệu ứng sốt đất, đẩy giá tăng nhanh trong thời gian ngắn. Hậu quả là giá đất bị đẩy lên quá xa so với giá trị thực, khiến nhiều nhà đầu tư và người mua rơi vào tình trạng mắc kẹt.
TS Trần Xuân Lượng đưa ra ví dụ điển hình là đợt sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008. Giá đất tại nhiều khu vực như Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất từng bị đẩy lên gấp 2-3 lần chỉ trong vài tháng, nhưng sau đó giảm mạnh khi thực tế quy hoạch không đúng như kỳ vọng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mắc kẹt, không thể bán ra hoặc phải chịu lỗ nặng.
Theo TS Lượng, trước tình trạng sốt đất ảo do thông tin sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. Điều quan trọng nhất là không chạy theo tâm lý đám đông. Việc mua đất chỉ nên được thực hiện khi có đầy đủ thông tin minh bạch về quy hoạch và giá trị thực của khu vực đó.
Một rủi ro lớn khác là sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Việc vay vốn ngân hàng để đầu tư đất có thể mang lại lợi nhuận cao nếu giá đất tiếp tục tăng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu giá đất giảm đột ngột.
Do đó, người mua cần tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định vay để đầu tư. Bên cạnh đó, trước khi xuống tiền, cần kiểm tra kỹ pháp lý của lô đất, tránh trường hợp mua phải đất vướng tranh chấp hoặc không có giấy tờ đầy đủ.