'Doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số' - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2024-12-23 22:00:00
- OTHER
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thay vì tập trung chủ yếu vào kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số, công nghệ thông tin.
Toàn cảnh hội thảo Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu.
Ngày 23/12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển tổ chức hội thảo Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu.
Hình thành cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người đang sinh sống, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ; là cộng đồng trưởng thành, mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực, trong đó có nhiều nguồn lực tri thức, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nếu như trước đây, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thì giờ đã mở rộng, trong đó có các doanh nghiệp liên quan đến những ngành mới như công nghiệp số, công nghệ thông tin…
Nhằm hưởng ứng và phát huy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lan rộng trên khắp Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới; phát huy tối đa xu thế liên kết, hình thành các mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) đã triển khai chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (GMPV).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại hội thảo.
Điểm thu hút của chương trình đó chính là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường toàn cầu để các startup Việt có thể tiến ra với thế giới.
Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng như VietinBank cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện TECHFEST hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và những nội dung được trao đổi trong hội thảo như trao đổi một số bài toán của địa phương, doanh nghiệp và làm sao để chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ, giải quyết; lên kết dữ liệu và ghi nhận khuyến nghị chính sách hỗ trợ nhân tài của mạng lưới GMVP trong chính sách quốc gia.
Với vai trò của mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thúc đẩy để cùng các cơ quan liên quan hình thành cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thu hút đội ngũ này đóng góp vào sự phát triển đất nước ông Nguyễn Mạnh Đông thông tin.
Xây dựng một mạng lưới dữ liệu chuyên gia toàn diện
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn còn tồn tại.
Bà Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia cho rằng, hệ thống chuyên gia quốc tế và trong nước rất mạnh, không chỉ trong lĩnh vực khởi nghiệp mà ở các lĩnh vực khác, song việc kết nối hiện vẫn lẻ tẻ, rời rạc. Do đó, bà Nga đề xuất giải pháp tận dụng cơ sở dữ liệu toàn dân, kết hợp với hệ thống định danh cá nhân để xây dựng một mạng lưới dữ liệu chuyên gia toàn diện.
Đây là cơ hội để chương trình đồng hành cùng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia của Bộ Công an tham gia vào quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và hệ thống định danh cá nhân cho người nước ngoài. Từ đó, chúng ta có thể kết nối, phân loại và đánh giá chuyên gia một cách hiệu quả hơn, bà Nga nói.
Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, chiến lược Dữ liệu Quốc gia cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, quản lý và tận dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ kiều bào. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm chuyên gia phù hợp với nhu cầu và cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể kết nối chuyên gia với các chương trình, dự án phát triển.
Bà Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia.
Dữ liệu không chỉ là con số mà là tài nguyên quý giá. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hiệu quả sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ kiều bào, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bà Nga nói.
Ngoài ra, với vai trò nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, bà Nga giới thiệu về liên kết tín dụng vốn sẵn sàng hỗ trợ đồng hành với mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp quốc gia là ngân hàng Vietinbank. Trong Chiến lược phát triển Việt Nam, hệ thống các ngân hàng hiện nay đã nỗ lực chủ động, tích cực hỗ trợ vốn phát triển, thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực đặc thù và triển khai các danh mục đa dạng cho phát triển bền vững, nữ nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia nói.
Theo bà Nga, khi dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần gia tăng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cũng như hệ thống phân phối, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam.