Đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-02-10 07:17:00
  • OTHER

Theo Tổng Cục Thống kê, Nhà nước cần nhanh chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì..., qua đó kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn.

Theo Tổng Cục Thống kê, tháng 1-2025, có hơn 33,4 ngàn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, cũng có 58,3 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp rút lui tăng cao do trùng với Tết Nguyên Đán

Trong đó các DN rút lui khỏi thị trường, có 52,8 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 90,5%, tăng 20,2%), 3,5 ngàn DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 2 ngàn DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Chiếm 89,9% tổng số DN rút lui khỏi thị trường chủ yếu là các đơn vị quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỉ đồng với 52.423 DN, và phần lớn có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm.

Tổng Cục Thống kê nhận định, bên cạnh nguyên nhân khách quan kinh tế thế giới cũng như năng lực nội tại của DN nhỏ và vừa của Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến DN rút lui khỏi thị trường tăng cao trong tháng 1 vừa qua là do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Đây là tình trạng có tính mùa vụ, nhiều DN không chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết Nguyên đán do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều DN chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác.

Ngoài ra, theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, song song với DN thành lập mới, luôn có một tỉ lệ DN giải thể, phá sản nhất định do cạnh tranh, sự đào thải tất yếu của thị trường.

Do đó, tình trạng rút lui cho thấy sự nhạy bén của DN nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để đáp ứng tốt hơn với các yêu cầu mới của thị trường. Đây cũng là cơ hội để DN phát triển những ý tưởng kinh doanh mới, nâng cao sức cạnh tranh.

Hơn nữa, cùng với môi trường kinh doanh hiện nay còn nhiều thách thức như rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh của DN.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam có nền kinh tế mở, khoa học công nghệ không ngừng phát triển thì sức ép đối với DN càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng rõ.

Theo cơ quan thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1 tăng so với cùng kỳ năm trước thể hiện sự vận động bình thường theo xu hướng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cảnh báo cần tiếp tục có giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển DN nhanh, bền vững, hiệu quả.

Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn

Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục hỗ trợ phát triển DN, Nhà nước cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Đổi mới, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics. Qua đó giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Nhà nước hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ một số ngành có thể bị tác động do ảnh hưởng của kinh tế thế giới như dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, da giày…

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên kích cầu đầu tư công vào các dự án sắp hoàn thành. Nhanh chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì, mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó, kích thích DN gia nhập thị trường nhiều hơn để phát triển sản xuất.

TÚ UYÊN

Link gốc