Đầu tư khủng cho đường sắt: Bộ Xây dựng tính toán hơn 5,5 triệu tỷ đồng cho quốc gia và 2 đô thị lớn - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-04 15:08:00
  • OTHER

Bộ Xây dựng dự kiến kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt quốc gia và đô thị Hà Nội, TP.HCM hơn 5,5 triệu tỷ đồng.

Bộ Xây dựng dự kiến kinh phí cho đường sắt quốc gia

Bộ Xây dựng vừa gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm đầu tư phát triển hệ thống đường sắt tới Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến, dự thảo nghị quyết này sẽ được trình xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, tổng kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt quốc gia và 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước tính lên tới hơn 5,5 triệu tỷ đồng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho các dự án đường sắt quốc gia dự kiến khoảng 2,26 triệu tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM cần khoảng 3,25 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 509 nghìn tỷ đồng, ngân sách TP. Hà Nội bố trí hơn 1,17 triệu tỷ đồng, ngân sách TP.HCM bố trí gần 1,57 triệu tỷ đồng.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250504/images/bo-xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-1203.jpg

Bộ Xây dựng dự toán kinh phí đường sắt quốc gia và 2 đô thị Hà Nội và TP.HCM hơn 5,5 triệu tỷ đồng. Ảnh: AI khởi tạo

Trong đó, phần kinh phí triển khai còn bao gồm các khoản chi cho việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, tuyên truyền, phổ biến cũng như thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án.

Theo nội dung, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xác định định hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương…

Theo Nghị quyết, Hà Nội và TP.HCM được yêu cầu phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. Riêng TP.HCM là địa phương được định hướng sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương khiến nhiều tuyến metro sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với địa giới hành chính mới, như tuyến Suối Tiên - Thủ Dầu Một. Tình huống tương tự có thể diễn ra tại TP. Đà Nẵng, dự kiến sáp nhập với tỉnh Quảng Nam.

Thực tế này đặt ra nhu cầu điều chỉnh quy hoạch, tăng cường liên kết vùng và đòi hỏi phải có một Nghị quyết chung để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt, thay vì tách rời từng nghị quyết cho từng dự án như hiện nay.

Dự thảo Nghị quyết của Bộ Xây dựng đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù

Dự thảo Nghị quyết mới do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo bao gồm nhiều nhóm chính sách lớn nhằm tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nguồn vốn và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ được phép quyết định việc sử dụng đa dạng các nguồn vốn như phát hành trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn tăng thu tiết kiệm chi… cho đầu tư phát triển các dự án đường sắt.

Các địa phương được khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất ở khu vực xung quanh các ga đường sắt, cũng như triển khai phát triển đô thị theo mô hình TOD (giao thông định hướng phát triển đô thị), qua đó tạo nguồn thu tái đầu tư cho dự án.

Dự án TOD không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh được quyền quyết định các chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất tại khu vực TOD để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250504/images/bo-xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-vnr-1203.jpeg

Thủ tướng Chính phủ được phép quyết định việc sử dụng đa dạng các nguồn vốn… cho đầu tư phát triển các dự án đường sắt. Ảnh: VNR

Về tổ chức thực hiện, dự thảo cho phép cấp có thẩm quyền quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng. Việc phân chia này không bắt buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật xây dựng.

Bên cạnh đó, được phép triển khai một số hoạt động trước hoặc đồng thời với các nhiệm vụ của bước thực hiện đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Chủ đầu tư được chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, EPC, EC, EP, chìa khóa trao tay; cũng như được chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án xây dựng đường sắt, tổ hợp công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Về công tác giải phóng mặt bằng, dự thảo quy định rõ trách nhiệm cho các bên liên quan. Chẳng hạn, việc di dời công trình điện từ 110kV trở lên là trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). UBND cấp tỉnh được phép chỉ định thầu đối với các gói thầu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu các gói thầu EPC, EC, EP, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cử đại diện tham gia tổ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu khi được cơ quan có thẩm quyền mời, theo dự thảo…

Bộ Xây dựng nêu rõ, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho đầu tư xây dựng các dự án đường sắt là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Thái Nguyễn

Link gốc