Đau đầu vì tình trạng trục lợi bảo hiểm - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-05-12 20:33:00
- OTHER
Trục lợi bảo hiểm không phải là vấn nạn mới tại Việt Nam nhưng đang có dấu hiệu gia tăng với những kịch bản ngày càng tinh vi và “có đường dây”, gây nên những hệ lụy nghiêm trọng.
Bất ngờ vì số ca bỏng, gãy xương tăng cao
Những trường hợp yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm đầu năm 2025 cho thấy tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn đang phổ biến, thậm chí còn “lộ liễu”. Công ty bảo hiểm nhân thọ X cho biết, thời gian qua, họ phát hiện hai đại lý bảo hiểm đang có số lượng khách hàng bị bỏng và gãy xương cao bất thường. Đi sâu vào nghiệp vụ điều tra, công ty X nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn trong các ca yêu cầu bồi thường này.
Chẳng hạn, một khách hàng tên Q thông báo bị bỏng. Trước đó, hợp đồng bảo hiểm của Q đã mất hiệu lực vào tháng 8-2023, nhưng lại được Q khôi phục vào tháng 1-2024 và mua thêm một hợp đồng bảo hiểm khác, tập trung vào quyền lợi tai nạn có mệnh giá lớn. Q được cho là từng có ý định tự tử vào đầu năm 2019 khi nhập viện súc ruột vì uống thuốc an thần quá liều.
Trường hợp khác, một khách hàng tên H bị bỏng và được một người phụ nữ tên T hướng dẫn làm thủ tục bồi thường. Bà T trước đó bị nhân viên điều tra bảo hiểm phát hiện từng dẫn dắt một người bị gãy xương thật lên chụp X-quang, và dùng quyền lợi bảo hiểm của khách hàng (không bị gãy xương) để yêu cầu bồi thường. Cùng lúc, khách hàng H này cũng yêu cầu bồi thường từ Công ty bảo hiểm Y. Theo ghi nhận từ công ty Y, khách hàng H không khai báo về việc đã mua hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm khác tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Điều này cho thấy động cơ trục lợi của khách hàng.
Theo nghiệp vụ điều tra của công ty bảo hiểm X, phần lớn những trường hợp bỏng có hồ sơ chưa thuyết phục đều thuộc khách hàng của hai đại lý đáng nghi nêu trên, và đều được ghi với nguyên nhân bỏng do nước sôi. Có người đang ăn tiệc thì va vào nồi nước dùng, có người bỏng khi đang nấu ăn tại nhà… Thẩm định cho thấy các vết thương này hầu như ở mức nông, để lại ít sẹo và có khả năng hồi phục nhanh.
Khách hàng bị gãy xương hoặc bỏng đồng loạt, có dấu hiệu của trục lợi bảo hiểm. Ảnh minh họa: Mkitina4
Các trường hợp gãy xương cũng có diễn biến tương tự, với lý do không thuyết phục, cũng không có nhân chứng xảy ra lúc tai nạn. Điều tra thêm từ công an phát hiện đã có trường hợp sử dụng tài liệu giả (thực tế không gãy) và đã khởi tố 2 khách hàng.
Tình huống ở hai doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên cho thấy vấn nạn trục lợi bảo hiểm vẫn đang diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam. Các câu chuyện này cũng có chung đặc điểm với nhiều trường hợp trục lợi trước đó. Một là nhóm này thường tập trung mua bảo hiểm có quyền lợi tai nạn mệnh giá lớn, dù không phải là lao động thuộc ngành nghề nguy hiểm. Hai là sự kiện bảo hiểm xảy ra chỉ vài tháng sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Nhưng một dấu hiệu dễ chỉ ra khả năng trục lợi là họ mua rất nhiều hợp đồng từ những công ty bảo hiểm khác nhau.
Hệ lụy không nhỏ
Hành vi trục lợi không chỉ khiến các đối tượng liên quan bị xử phạt hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng chung đến ngành và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo Điều 213, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi trục lợi bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với án phạt lên đến 7 năm tù kèm theo những mức phạt khác.
Thực tế, đã có nhiều vụ trục lợi bảo hiểm đã không qua mắt được cơ quan chức năng. Mới nhất, đầu tháng 4/2025, một người phụ nữ ở Quảng Nam bị bắt tạm giam để điều tra về một vụ án hình sự có liên quan đến hành vi hành vi trục lợi bảo hiểm nhân thọ với số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Thị trường vẫn còn nhớ vụ án đình đám năm 2021 khi cơ quan điều tra khởi tố hình sự một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm nhằm trục lợi, trong đó, đã có 7 hợp đồng được 5 công ty bảo hiểm chi trả trước khi vụ việc bị phanh phui. Những đối tượng này sau đó đã bị tuyên án từ 7 đến 10 năm tù.
Trường hợp khác, một người đàn ông ở Đắk Nông dàn dựng tai nạn và giả chết để trục lợi 18 tỉ đồng từ bảo hiểm, cuối cùng bị tuyên án tử hình; hay cuối năm 2024, 13 bị can trong đường dây trục lợi, gồm cả cán bộ y tế tại Thanh Hóa, đã bị điều tra và khởi tố hình sự.
Hành vi trục lợi cũng làm suy giảm niềm tin của người dân vào bảo hiểm. Đã có không ít trường hợp khách hàng cố tình trục lợi, bị công ty bảo hiểm phát hiện và từ chối chi trả quyền lợi. Những khách hàng này sau đó đăng thông tin trên mạng xã hội về việc không được bảo hiểm chi trả, khiến nhiều người tiêu dùng khác cho rằng công ty bảo hiểm cố tình làm khó, phủi trách nhiệm…, dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia bảo hiểm.
Không ít người trục lợi bất thành, sau đó đăng thông tin lên mạng xã hội cho rằng công ty bảo hiểm làm khó, khiến nhiều người khác e dè về bảo hiểm. Ảnh minh họa: Takasuu
Một ảnh hưởng nữa là các việc trục lợi sẽ khiến công ty bảo hiểm siết chặt và thận trọng hơn trong quy trình thẩm định và kiểm tra hồ sơ bồi thường. Bên cạnh đó, với các hành vi trục lợi bảo hiểm từ việc giả mạo gãy xương hay bỏng nước sôi nêu trên thì các công ty bảo hiểm có thể xem xét lại các điều khoản và quyền lợi liên quan khi thiết kế sản phẩm mới, ảnh hưởng đến những khách hàng chính đáng khác trong tương lai.
Trên thực tế, tình trạng trục lợi bảo hiểm không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia khác. Nhiều vụ việc điển hình trên thế giới với quy mô trục lợi lớn, hậu quả sau đó là những cuộc điều tra và cải tổ lớn trong chính sách quản lý bảo hiểm tại nước sở tại.
So với các nước này, Việt Nam có điểm tương đồng về hình thức trục lợi, như dàn dựng tai nạn hay giả mạo hồ sơ, nhưng khác biệt nằm ở quy mô và mức độ xử lý. Các quốc gia phát triển có lợi thế về dữ liệu và sự liên kết chặt chẽ giữa công ty bảo hiểm với các đơn vị khác có liên quan, từ cơ quan cảnh sát đến cơ quan y tế. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, nên việc thẩm định và xác minh vụ việc còn nhiều khó khăn.
Nhìn chung, trục lợi bảo hiểm không chỉ là hành vi phạm pháp mà còn gây ra những hệ lụy nặng nề khác. Do đó, khách hàng cần hiểu biết pháp luật để tránh những hành vi trục lợi khi tham gia bảo hiểm. Việc hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm cũng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan.