Đất ruộng của một gia đình ở Hà Nội bỗng dưng mất tích - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2024-12-03 07:26:00
  • OTHER

Được gia đình để lại cho hàng trăm mét vuông đất ruộng giữa lòng Thủ đô, song khu đất gia đình nhà bà Thu sở hữu mất tích giữa thanh thiên bạch nhật.

Mất đất ruộng canh tác sau 1 đêm bị đổ trộm phế thải

Là người dân sống tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), gia đình bà Thu và các anh chị em được cha mẹ để lại cho một mảnh ruộng tại khu vực Xứ đồng nước chảy (tên gọi cũ, nay là khu vực ngõ 262 Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đáng nói từ năm 2012 đến nay, gia đình bà không thể đến và thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên đất của mình.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241203/images/Ngo-262.jpg

Hiện trạng ngõ 262 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân được PV ghi nhận. Ảnh: Nhóm PV

Nguyên nhân của sự việc này là do toàn bộ khu vực đất ruộng được Ban quản lý Hợp tác xã Minh Khai, thuộc UBND xã Khương Đình giao cho ông Nguyễn Đức Nhân (bố bà Thu) đã bị san lấp.

Sau 1 đêm chúng tôi ra thăm ruộng thì đã không thể nhận ra khu vực canh tác nông nghiệp của gia đình nữa, toàn bộ ruộng đã bị đổ trạc thải xây dựng, san lấp. Chồng tôi ra tìm lại đất thì bị 1 nhóm người chặn đánh.

Sau đó, gia đình chúng tôi đã làm đơn tố cáo gửi lên UBND phường Hạ Đình (do sáp nhập địa giới hành chính), Trưởng Công an phường và Hợp tác xã Hạ Đình để đòi lại đất nhưng không có kết quả, bà Thu thông tin.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241203/images/Ba-Thu.jpg

Bà Thu khóc khi kể về số đất ruộng ông cha để lại bị mất tích phi lý giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Nhóm PV.

Mất đất canh tác lại không có nghề nghiệp ổn định để làm ăn, bà Thu cùng các anh em trong gia đình liên tục gửi đơn tố cáo đến các cấp có thẩm quyền.

Sau nhiều lần gửi đơn, đến ngày 30.1.2015, gia đình bà Thu nhận được Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của Công an quận Thanh Xuân.

Công an Quận Thanh Xuân cho biết: Đã xác định được người quây tôn, san nền, xây dựng trên khu đất tại địa chỉ 262 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) là Nguyễn Văn Dũng và Hoàng Văn Sinh nhưng chưa đủ căn cứ để khởi tố về hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản, do đó Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và kết thúc xác minh đơn.

Ngày 15.1.2015, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với UBND phường Hạ Đình cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ phần xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu đất 262 Nguyễn Xiển (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội).

Cơ quan CSĐT - Công an quận Thanh Xuân đã gửi công văn đề nghị UBND phường Hạ Đình phối hợp với cơ quan chức năng đo đạc, xác định rõ lại phần đất ruộng của ông Nhân (bố bà Thu) để bàn giao cho ông Nhân quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý không để tái lấn chiếm và xây dựng trái phép.

Tuy nhiên sau đó, theo gia đình bà Thu, chính quyền địa phương không thực hiện bất cứ hoạt động nào như đã đề cập trong văn bản nêu trên.

Đến năm 2023, sau nhiều năm gửi đơn để đòi lại đất gia đình, bà Thu nhận được Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của UBND quận Thanh Xuân. Trong 8 trang thông báo, nội dung đáng chú ý nhất là toàn bộ số đất tại số 262 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) mà bà Thu cho là đất của mình được kết luận không liên quan đến số đất ruộng được Hợp tác xã Khương Đình trước đây giao cho ông Nguyễn Đức Nhân (bố của bà Thu).

Chính quyền không thể xác định được vị trí đất đã giao cho người dân?

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Việt Nga - Phó Chủ tịch phường Hạ Đình thừa nhận, hiện nay, toàn bộ khu vực đất nông nghiệp thuộc quản lý của UBND phường Hạ Đình tại đường Nguyễn Xiển đều đã bị xây dựng, san lấp. Với trường hợp nhà bà Thu, phường không có căn cứ để xử lý vì không thể xác định được vị trí.

Khu vực đất này là đất nông nghiệp trước đây xã giao cho xã viên, không có tọa độ, mốc giới, không có căn cứ gì để phường giải quyết.

Người dân cũng có một phần trách nhiệm trong việc quản lý đất đai của mình, thời điểm này, người có đơn còn chưa xác định được đất của người ta ở chỗ nào, ai là người lấn chiếm thì chính quyền không giải quyết được, ông Việt Nga nói.

Còn bà Ngô Thị Hồng, cán bộ địa chính phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) giải thích, tất cả diện tích đất trên khu vực đường Nguyễn Xiển đều có nguồn gốc là đất nông nghiệp do hợp tác xã giao cho các xã viên, từ trước năm 1993.

Sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Tây Nam Kim Giang, hệ thống tưới tiêu tại khu vực này đã không còn. Một số hộ xã viên có đất không quản lý nữa, số còn lại đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Giai đoạn vừa rồi đất đai được số hóa nên bị sai lệch vì có đến 3 - 4 loại bản đồ khác nhau, gồm: bản đồ của dự án Tây Nam Kim Giang, bản đồ địa chính năm 1996 là 2 và bản đồ nữa... Hệ thống bản đồ quản lý chồng chéo dẫn đến khó để xác định chính xác diện tích, vị trí đất cụ thể vì không có cơ sở cụ thể. Khi xảy ra các trường hợp tranh chấp, chính quyền địa phương chỉ có thể hòa giải theo trách nhiệm, bà Hồng thông tin.

Cũng trong Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của UBND quận Thanh Xuân dài 8 trang trả lời gia đình bà Thu về đơn tố cáo UBND phường Hạ Đình, báo cáo của UBND phường Hạ Đình khẳng định toàn bộ số đất tại ngõ 262 Nguyễn Xiển - khu vực mà bà Thu cho rằng đây là khu đất ruộng xã giao cho ông Nguyễn Đức Nhân (bố bà Thu) không liên quan gì đến gia đình này.

Báo cáo nêu rõ: Hồ sơ hiện có thể hiện khu đất của ông Hoàng Văn Sinh và ông Đặng Văn Dũng có nguồn gốc khu Xứ đồng nước chảy (một phần thửa số 11, 36 tờ bản đồ số 3 và số 379 tờ bản đồ số 1), không liên quan đến thửa số 106 và 110 tờ bản đồ số 3 Xứ đồng nước chảy mà gia đình ông Nguyễn Đức Nhân được HTX Nông nghiệp Khương Đình giao tại văn bản giao đất số 40 ngày 1.8.1993.

Rõ ràng, cùng sử dụng 1 loại bản đồ, trong khi UBND phường Hạ Đình xác định được vị trí và nguồn gốc ô đất tại ngõ 262 Nguyễn Xiển (nơi bà Thu cho rằng là đất nhà mình và đang bị lấn chiếm) không liên quan đến gia đình bà Thu, nhưng lại không thể tìm được vị trí thửa số 106 và 110 tờ bản đồ số 3 khu Xứ đồng nước chảy (phần đất của gia đình bà Thu trên bản đồ) để người dân rơi vào cảnh nhà có hàng trăm mét vuông đất mà mất tích vô lý giữa lòng Thủ đô.

Hiện nay, theo ghi nhận của Lao Động, khu vực ngõ 262 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tồn tại nhiều nhà xưởng, kho bãi được xây dựng trái phép, thậm chí trên đất mọc lên những công trình kiên cố bao gồm nhà ở, cửa hàng kinh doanh nhưng không sổ đỏ.

Theo UBND phường Hạ Đình, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình đã tồn tại từ lâu trên khu đất này. Chính quyền địa phương hiện chỉ có thể quản lý nguyên hiện trạng để tránh phát sinh thêm các sai phạm khác về đất đai.

NHÓM PV

Link gốc