Đại biểu Quốc hội nói đau lòng khi thấy tài xế bỏ xe vì mức phạt vi phạm giao thông quá cao - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-18 15:20:00
  • OTHER

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho biết, có những trường hợp “tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe” nên tài xế bỏ xe luôn, thấy mà đau lòng.

Chiều 16/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều đại biểu đã quan tâm, góp ý vấn đề tăng mức phạt với các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Đề xuất tăng phạt vi phạm giao thông tối đa 150 triệu đồng

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tối đa lên gấp 2 lần đối với địa bàn TP.Hà Nội, khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Các lĩnh vực áp dụng gồm: giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Trong đó, mức phạt vi phạm giao thông tối đa được đề xuất tăng từ 75 triệu lên 150 triệu đồng.

Đồng tình với dự luật đề xuất tăng mức phạt tối đa một số lĩnh vực ở Hà Nội và nội thành 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đề nghị mở rộng ở tất cả các đô thị trên cả nước.

“Vi phạm về quảng cáo, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là an toàn thực phẩm... càng ngày trở nên phổ biến, tính chất mức độ nghiêm trọng hơn. Tôi cho rằng mức phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe”, ông Trí nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí cho biết, ra nước ngoài chỉ cần một hành vi vứt rác không đúng quy định sẽ bị phạt rất nặng. Ảnh: Media Quốc hội

Theo ông Trí, phải tăng mức phạt mạnh hơn nữa thì mới đưa nhận thức, hành vi của người dân đi vào trật tự.

Ông chia sẻ những ngày qua thấy cuộc sống không an lành trên nhiều lĩnh vực như không khí, thức ăn hằng ngày, ý thức môi trường công cộng... Tại kỳ họp này, dự Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa kịp rà soát hết các mức phạt ở tất cả lĩnh vực nên thời gian tới phải làm.

Ra nước ngoài chỉ cần một hành vi vứt rác không đúng quy định sẽ bị phạt rất nặng, ông Trí nêu.

Tài xế bán xe mới có tiền nộp phạt

Riêng về nội dung xử phạt vi phạm giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị tăng mức phạt tối đa trong vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ 75 triệu đồng lên 200 triệu đồng, để tạo sức răn đe.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói, tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu lên 150 triệu đồng, thì trong nhiều trường hợp tài xế “bán xe mới có tiền nộp phạt”.

Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, xử phạt để phòng ngừa, răn đe nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của mỗi người dân. Ảnh: Media Quốc hội

“Tôi đồng ý mức phạt nghiêm để răn đe, phòng ngừa nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của mỗi người dân”, ông Hòa nhấn mạnh và cho biết, có những trường hợp “tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe” nên tài xế bỏ xe luôn thấy mà đau lòng.

Thêm nữa, theo ông Hòa, có những trường hợp xe là phương tiện lao động, kế sinh nhai của gia đình, cho nên, tăng mức phạt tối đa cần cân nhắc.

“Xử phạt phải nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người vi phạm, để không dám, không muốn, không gây ra vi phạm, nhưng cũng phải tính tới túi tiền của người dân”, ông Hòa tái khẳng định quan điểm.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), cho rằng sau quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính, khái niệm nội thành sẽ không còn rõ ràng như trước.

Trước đây, nội thành thường được hiểu là các quận trung tâm. Nhưng hiện nay, nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang sáp nhập hoặc điều chỉnh địa giới. Khi đó, nội thành của TP.HCM được xác định như thế nào cũng chưa rõ, ông nói.

Vì vậy ông đề xuất trước mắt giữ nguyên quy định xử phạt theo Luật Thủ đô, chưa mở rộng áp dụng phạt gấp đôi cho các thành phố khác. Sau khi sắp xếp xong đơn vị hành chính, có cơ sở pháp lý và thực tiễn thì mới quyết định.

Quỳnh Nguyễn

Link gốc