Đã trả nợ tiền cơm nước, văn phòng phẩm ở Đắk Nông, đúng là con có khóc mẹ mới cho bú - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-06-10 06:02:00
  • OTHER

Theo một số hộ kinh doanh, 2 địa phương ở huyện Đắk R'lấp đã thanh toán hoặc chốt ngày trả nợ tiền cơm, văn phòng phẩm.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20250610/images/Dak-Nong.jpg

Tỉnh Đắk Nông chỉ đạo huyện Đắk R’lấp kiểm tra, xử lý tập thể và cá nhân có liên quan đến các khoản nợ tiền cơm và văn phòng phẩm. Ảnh: Dương Hằng

Sau loạt bài của Báo Lao Động phản ánh về vụ xã Kiến Thành và thị trấn Kiến Đức huyện Đắk R’lấp nợ tiền cơm và tiền văn phòng phẩm của các hộ kinh doanh nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận, địa phương đã có chỉ đạo xử lý kịp thời.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu huyện Đắk R'lấp kiểm tra, xử lý dứt điểm các khoản nợ trước khi sáp nhập. Xem xét chưa bố trí việc làm cho các cá nhân vi phạm theo phương án nhân sự khi sáp nhập đơn vị cấp xã trong đợt này cho đến khi xử lý dứt điểm.

Chủ quán cơm và các hộ kinh doanh kêu cứu, báo chí lên tiếng, lãnh đạo địa phương chỉ đạo chưa bố trí việc làm cho các cá nhân vi phạm, thế là ai cũng sợ, vội vàng đi trả nợ.

Đối với Quán Cơm Quê, thị trấn Kiến Đức và xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã thanh toán toàn bộ tiền nợ từ nhiều năm qua.

Còn chủ cửa hàng văn phòng phẩm L.H cho biết, toàn bộ tiền nợ của xã Kiến Thành trong giai đoạn 2013-2020 đã được thanh toán. Riêng thị trấn Kiến Đức chốt thời gian thanh toán là ngày 15.6.

Trả nợ vì quá xấu hổ, ăn uống ở quán cơm của dân, mua văn phòng phẩm của dân, nhưng không trả mà vẫn cứ coi như không có chuyện gì xảy ra. Cán bộ như vậy làm sao nói dân nghe, làm sao dân chẳng coi thường.

Trong bài Quán cơm ở Đắk Nông tố cán bộ xã nợ 9 năm chưa trả, đừng quỵt của dân tội nghiệp đăng ngày 7.6.2025, Báo Lao Động đã nêu trường hợp một chủ nhà hàng gửi đơn tố cáo lên Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An để đòi nợ hơn 44 triệu đồng tiền cơm. Sau đó, huyện Tương Dương đã trả nợ tiền cơm “tiếp khách” cho nhà hàng.

Chủ nhà hàng phải lên mạng xã hội để kêu cho thiên hạ biết thì UBND huyện Tương Dương mới chịu trả nợ, nếu cứ im lặng chờ đợi như những năm trước thì không ai giải quyết.

Vụ việc ở Đắk Nông cũng tương tự, báo chí lên tiếng, các cơ quan mắc nợ mới chịu đi trả cho khổ chủ.

Được biết, chuyện cơ quan chính quyền nợ tiền cơm ở nhà hàng, quán ăn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhưng nay rộ lên việc đòi nợ là vì các chủ quán sợ sau sáp nhập, bỏ cấp huyện thì không biết tìm ai mà đòi.

Nếu quán cơm, cửa hàng văn phòng phẩm nào rơi vào trường hợp bị văn phòng xã, huyện mắc nợ không chịu trả, cứ mạnh dạn lên tiếng. Cha ông xưa dạy con có khóc mẹ mới cho bú chớ có sai.

Lê Thanh Phong

Link gốc