Đà Nẵng: Dự kiến tăng giá nước sạch từ đầu năm 2025, cao nhất gần 14% - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2024-12-28 17:04:00
  • OTHER

Sau khi cân nhắc các tiêu chí, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất tăng giá nước, cao nhất gần 14%/tháng.

So với mặt bằng chung cả nước giá nước, giá dự kiến điều chỉnh vẫn thấp hơn so với giá nước sạch của một số địa phương khác.

Vấn đề tăng giá nước lần này đã được lãnh đạo thành phố thảo luận, cân nhắc và cơ bản thông qua phương án giá bán lẻ nước sạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc xác định giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tổ chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, thu nhập người dân;

Hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Cấp nước và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời, mức giá phù hợp cũng sẽ góp phần thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241228/images/676fb622a2b1c438f7b888dc%20(1).jpg

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thăm nhà máy nước Hoà Liên. Ảnh: HH

Sẽ hỗ trợ đồng bào thiểu số

Trong phương án giá lần này, thành phố sẽ hỗ trợ giá đối với các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn.

Về mức giá dự kiến: Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hòa Phú, Hòa Bắc dùng nước từ mức 15m3/đồng hồ/tháng trở xuống thì được miễn tiền nước; hộ dân cư xã Hòa Phú, Hoà Bắc và đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trên 15m3/đồng hồ/tháng thì vẫn giữ nguyên mức giá cũ là 2.000 đồng/m3. 

Các hộ dân cư nông thôn (trừ xã Hoà Phú, Hoà Bắc); hộ dân cư đô thị thì tính theo giá bậc thang tăng dần theo khối lượng sử dụng và có mức giá tăng khoảng 13%. Đối với cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập; trường học, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; phục vụ mục đích công cộng; tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất, tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ có mức giá tăng từ13,48 - 13,97%. 

Theo công bố của Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng năm 2024 so với năm 2014 là 34,68%. Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong lần này nhằm để bù đắp chi phí cho công tác vận hành và duy trì hoạt động cấp nước cho thành phố. 

Nhìn chung giá nước sạch tăng trong giai đoạn hiện nay có tác động nhưng không lớn đối với đời sống xã hội của người dân, chẳng hạn như đối với các hộ gia đình ở nông thôn nếu sử dụng nước dưới 10m3/đồng hồ/tháng, tương ứng mức tăng tối đa chỉ 4.000 đồng/tháng; đối với hộ gia đình ở đô thị bình quân sử dụng từ 10m3-15m3/đồng hồ/tháng thì mức chi trả hàng tháng tăng khoản từ 5.500 đồng đến 8.800 đồng/tháng. 

So với mặt bằng chung cả nước giá nước, giá dự kiến điều chỉnh vẫn thấp hơn so với giá nước sạch của một số địa phương khác.

10 năm chưa tăng giá nước

Suốt hơn 10 năm qua, cùng với sự phát triển hạ tầng của thành phố, hạ tầng cấp nước của thành phố Đà Nẵng cũng hòa cùng nhịp với đà tăng trưởng đó. Vào năm 2014, công suất cấp nước toàn thành phố là 210.000m3/ngày, đến nay công suất cấp nước toàn thành phố là 460.000m3/ngày, mạng lưới cấp nước của thành phố được mở rộng hơn 1,5 lần. 

Chất lượng nước được nâng lên rõ rệt, công tác đầu tư cho phòng mặn lấy nước nguồn từ đập An Trạch về đã làm cho nước không còn bị nhiễm mặn như trước đây nữa. 

Thành phố cũng đã đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, góp phần tăng công suất cấp nước, nâng cao chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước sạch lâu dài cho Nhân dân và phát triển thành phố.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241228/images/676fb621a2b1c438f7b888db.jpg

Những năm trước, khi chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều hộ dân ở Đà Nẵng phải hứng từng giọt nước lúc nửa đêm. Ảnh: HH

Giá tiêu thụ nước sạch hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2014 theo Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND ngày 27/1/2014 và được giữ ổn định trong suốt hơn 10 năm qua. 

Hiện, có nhiều yếu tố trong chi phí cấu thành trong giá nước sạch đã biến động tăng như: Tiền lương cơ sở đã tăng qua 6 lần; lương tối thiểu vùng tăng từ 2.400.000 đồng lên 4.160.000 đồng; giá điện tăng hơn 40% so với năm 2014; giá đầu vào của hóa chất xử lý nước, vật tư, thiết bị duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp nước… qua 10 năm đã tăng hơn so với thời điểm năm 2014. 

Bên cạnh đó, một số chi phí chưa được cấu thành trong giá nước như: Tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác nước, tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước. 

Đồng thời, thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước của thành phố, trong thời gian qua Công ty Cổ phần Cấp nước đã đầu tư nâng công suất cấp nước toàn thành phố từ nguồn vốn vay nên chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí lãi vay tăng. 

Thực tế, trong hơn 10 năm qua, với sự biến động của chi phí cấu thành giá nước, Công ty Cổ phần Cấp nước thành phố đã nhiều lần đề nghị UBND thành phố điều chỉnh giá nước (vào các năm 2017, 2019, 2022, 2023). Tuy nhiên, để ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, tình hình kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc, chưa xem xét việc tăng giá theo đề nghị của đơn vị.

Năm 2024, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã lập và trình phương án giá nước sạch và đã được các sở, ngành, các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị liên quan, Sở Tài chính đã tham mưu UBND thành phố về nội dung trên.

Hải Hiếu

Link gốc