“Cởi bỏ” dần áp lực thuế đối ứng - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-07-07 06:48:58
- OTHER
(ĐTCK) “Chúng ta đang chuyển sang trạng thái kịch bản tốt và có thể còn tốt hơn”. “Chúng ta đã loại bỏ được rủi ro về thuế suất cao”…
Đó là chia sẻ của chuyên gia phân tích tại nhiều công ty chứng khoán gửi tới nhà đầu tư, khách hàng khi có thông tin về thỏa thuận thuế quan sơ bộ giữa Mỹ và Việt Nam trong tuần qua, với mức thuế chung là 20%.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử, tăng hơn 10%, phản ánh tâm lý lạc quan. Tuy nhiên, một số ngành như thủy sản và khu công nghiệp chịu áp lực do lo ngại thuế tăng từ 0% lên 20%.
Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), phản ứng tiêu cực ở ngành thủy sản là “thái quá” vì các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược để thích nghi với mức thuế mới.
Cuối phiên giao dịch ngày 3/7/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu chững lại nhưng khối ngoại quay lại mua ròng, thể hiện niềm tin vào sự ổn định của thỏa thuận. Nhà đầu tư cá nhân có một bộ phận chốt lời để đánh giá thêm thông tin. Tuy nhiên, không có dấu hiệu hoảng loạn và tâm lý thị trường dự kiến sẽ ổn định khi các chi tiết đàm phán được công bố.
Vì vậy, theo quan điểm của MSVN, đây là một thông tin tích cực. Đây là một cuộc đàm phán thành công của Việt Nam về vấn đề thuế.
Vì sao lại đánh giá tích cực? Theo ông Thành, chúng ta thường nhìn nhận triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như thị trường với 3 hoặc thậm chí 4 kịch bản, trong đó có kịch bản tiêu cực, kịch bản cơ bản và kịch bản tốt. Với thông tin này, chúng ta đang chuyển sang trạng thái kịch bản tốt và có thể còn tốt hơn. Chúng ta đã loại bỏ được rủi ro về thuế suất cao đối với Việt Nam.
So với mức thuế 46% áp lên Mexico hoặc 55% lên Trung Quốc, mức 20% giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngay cả khi so với mức thuế thấp của nhiều nền kinh tế khác như Đài Loan (Trung Quốc) - dưới 18%, chênh lệch thuế chỉ 2 - 5%, không đủ để làm mất lợi thế của Việt Nam.
Ở góc độ lợi thế chi phí, chi phí lao động, đất đai, nguyên vật liệu thấp và một số yếu tố khác giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh ngay cả với thuế 20%. Ví dụ, chi phí sản xuất thấp hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực, bù đắp cho chênh lệch thuế.
Ở góc độ địa chính trị, Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế với Mỹ, khẳng định vị thế đối tác chiến lược toàn diện.
Về thuế 40% đối với hàng trung chuyển, ông Thành nhấn mạnh, đây là cơ hội để Việt Nam chuyển từ vai trò trung gian sang trung tâm sản xuất. Nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40%, tương tự mức Ấn Độ đang đàm phán (35%), Việt Nam có thể tối ưu hóa lợi ích từ thỏa thuận. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngành như điện tử (nội địa hóa khoảng 50%) và dệt may (45%), vốn có tiềm năng đáp ứng yêu cầu.
“Mục tiêu phát triển kinh tế của chúng ta hiện nay là làm sao để có những phần nội lực sản xuất trong nước. Chúng ta muốn doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận được phần sản xuất đó, cũng như thu hút FDI vào Việt Nam để chuyển giao công nghệ và giúp Việt Nam có nội lực lớn hơn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, GDP 2025 tăng trưởng 7% trong kịch bản cơ bản, với tiềm năng đạt 8% nếu các yếu tố sau được phát huy.
Một là, đầu tư công chiếm 30% GDP, duy trì tăng trưởng tín dụng 15 - 16% và tổng mức đầu tư 15%. Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng.
Hai là, tiêu dùng trong nước chiếm 60% GDP, cần đạt tăng trưởng danh nghĩa 11 - 12% thông qua các chính sách kích cầu, như giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc hỗ trợ hộ kinh doanh gia đình.
Ba là, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách bơm/hút tiền linh hoạt, giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức 4 - 5% để đảm bảo thanh khoản mà không gây áp lực lên tỷ giá. Điều này đặc biệt quan trọng khi cầu USD cao và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn ở mức 4%, tạo hiện tượng chênh lệch lãi suất (arbitrage).
Chuyên gia MSVN dự báo, VN-Index có thể đạt 1.450 - 1.500 điểm trong năm 2025, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 12 - 15% (kịch bản cơ bản) hoặc 17% (kịch bản tốt). Trong khi đó, định giá P/E đang phổ biến từ 12,5 - 13 lần, hợp lý so với tiềm năng tăng trưởng và triển vọng nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, giúp thu hút dòng vốn ngoại, cải thiện thanh khoản, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Một số nhóm ngành tiềm năng, thích hợp đầu tư dài hạn (6 - 9 tháng) là hạ tầng: đường sắt, đường hầm, năng lượng - hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và phát triển kinh tế tư nhân; công nghệ: các doanh nghiệp công nghệ bị định giá thấp, như trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, đang có cơ hội phục hồi; doanh nghiệp tư nhân: các công ty cải thiện quản trị, tận dụng chính sách cởi mở để tìm lại giá trị, đặc biệt trong các ngành bị chiết khấu trước đó.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, việc theo dõi sát bản tin thị trường, dòng tiền và các chỉ báo kỹ thuật là cần thiết để nắm bắt cơ hội giao dịch.
Nhóm phóng viên