Chông chênh ở những khu tái định cư dự án trọng điểm - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2024-12-30 18:36:00
  • OTHER

Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng đời sống của người dân ở nhiều khu tái định cư trên Tây Nguyên vẫn đang bấp bênh, đói nghèo, chưa thể lạc nghiệp.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Untitled-01.jpg

Đất sản xuất ở khu tái định cư số 2. Ảnh: Bảo Trung

Người dân chật vật mưu sinh

Năm 2010, khu tái định Đắk P’lao, ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được Công ty thủy điện Đồng Nai 3 xây dựng với kinh phí hơn 800 tỉ đồng.

Đây là khu tái định cư có quy mô lớn hàng đầu Tây Nguyên. Nhìn từ xa, khu tái định cư này chẳng khác gì một khu phố thị sầm uất, nổi bật giữa núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, khi vào thực tế bên trong, đời sống của người dân nơi đây là hết sức chật vật, trái ngược với vẻ khang trang bên ngoài.

Chị H’Sàm, ở xã Đắk P’lao chia sẻ rằng, trước đây gia đình chị sống ven hồ Thủy điện Đồng Nai 3, thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, con cái phải đi xa để đến trường.

Năm 2010, khi chính quyền vận động về khu tái định canh, định cư tại xã Đắk P’lao, gia đình tôi quyết định chuyển về sinh sống. Chúng tôi được cấp một căn nhà xây và 1ha đất sản xuất.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Anh-1_11Zon-1-01.jpg

Ảnh: Phan Tuấn

Lúc này, ai nấy đều háo hức, mong chờ một cuộc sống mới đầy đủ hơn. Bởi nơi ở mới có cơ sở hạ tầng khang trang, điều kiện sinh hoạt tưởng chừng thuận lợi nên mọi người tin rằng cuộc sống sẽ khởi sắc” - chị H’Sàm kể.

Thế nhưng, theo chị H’Sàm, thực tế lại không như mong đợi. Chỉ sau một năm, bố mẹ chồng chị không thể thích nghi với môi trường sống mới.

Nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, đất đai đồi dốc, lại không có nước tưới tiêu khiến việc canh tác vô cùng khó khăn.

Trước những áp lực về kinh tế, mọi người đành quay trở lại khu lòng hồ cũ để tiếp tục cuộc sống. Dù sao thì nơi ở cũ cảm thấy vấn tốt hơn.

“Hiện căn nhà ở khu tái định cư được gia đình để lại cho tôi sinh sống nhưng cuộc sống cũng hết sức vất vả” - chị H’Sàm cho biết thêm.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Anh-2_11Zon-1-01.jpg

Ảnh: Phan Tuấn

Theo UBND xã Đắk P’lao, đến quý IV/2024, đã có tổng số 446 hộ đã bốc thăm nhận đất ở các khu A, B của khu tái định cư Đắk P’lao.

Trong đó, có 287 hộ dân đã nhận đất, sinh sống ổn định; còn 159 hộ đã bốc thăm nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau 15 năm, cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ giao đất tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trường – Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao, mặc dù là xã tái định cư, thế nhưng vướng mắc lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải đó là công tác bồi thường, hỗ trợ, cấp đất tái định canh, định cư cho người dân còn kéo dài.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Untitled-02.jpg

Ảnh: Phan Tuấn

Địa hình dốc, đất đai một số khu vực không phù hợp phát triển nông nghiệp dẫn đến năng suất cây trồng thấp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh kế của bà con. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện chiếu sáng và nâng cao chất lượng về y tế… cũng đang có nhiều trăn trở.

Theo rà soát, xã còn 19 hộ dân không chịu về khu tái định cư. Trong đó, 18 hộ được cấp nhà nhưng không nhận và 1 hộ đủ điều kiện cấp đất nhưng không nhận đất. Do những bất cập này, xã tái định cư này vẫn còn 129 hộ nghèo và 117 hộ cận nghèo.

Người dân vừa đến nhưng đã vội vã rời đi

Dự án thủy lợi hồ chứa nước Krông Pách Thượng có dung tích 123 triệu m³ với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng. Dự án ảnh hưởng đến 4.849 hộ dân và thu hồi 3.174ha đất, chủ yếu tại các thôn 9, 10, 11 thuộc xã Cư San, huyện M’Đrắk.

Người dân sẽ được di dời đến khu tái định cư số 1 (xã Cư Êlang) và khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông), huyện Ea Kar.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Anh-3_11Zon-2-01.jpg

Ảnh: Phan Tuấn

Khu tái định cư số 2 có tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng, sẽ là nơi sinh sống của 464 hộ dân. Trong đó, bao gồm 700ha dành cho nhà ở, hạ tầng giao thông, trường học và đất đai sản xuất.

Thực tế cho thấy, bà con đã đến khu vực này sinh sống từ quý I.2023 nhưng sau đó rất nhiều người đã rời đi, tìm đến nơi ở mới.

Đến giữa tháng 11.2024, toàn bộ khu tái định cư có khoảng 269 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu đến sinh sống là chưa đáp ứng đúng với thiết kế ban đầu.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó việc chưa đủ đất sản xuất nông nghiệp là một trong những lý do khiến hơn 160 hộ dân rời đi, không chuyển đến ở khu tái định cư số 2.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Anh-5_11Zon-2-01.jpg

Ảnh: Bảo Trung

Điều đáng nói, nhiều người dân đã làm nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, khu vực ven đường Đông Trường Sơn (xã Cư San, huyện M’Đrắk).

Ông Giàng Seo Quang cho biết, tôi là một trong những người đầu tiên đến sinh sống tại khu tái định cư và được giao nhiệm vụ tự quản.

Tuy nhiên, vì không đủ đất canh tác, một số người đã rời đi đến nơi ở khác mặc dù hạ tầng điện, đường, trường học… ở khu tái định cư rất tốt.

Thời gian qua, tôi đã bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động bà con ở khu tái định cư, chịu khó làm ăn, sản xuất nông nghiệp không nên quay trở lại rừng sinh sống.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Anh-9_11Zon-1-01.jpg

Ảnh: Bảo Trung

Theo quy hoạch, khu tái định cư số 2 có 256,32ha đất trồng lúa và 363,24ha đất trồng cây hoa màu.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 10.2024, chủ đầu tư dự án mới chỉ bàn giao mặt bằng được hơn 55% diện tích đất trồng lúa.

Vào cuối tháng 10.2024, đoàn công tác của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra rằng, một số hộ dân không chuyển về khu tái định cư số 2 sinh sống mà đã làm nhà tạm (có cả nhà gỗ kiên cố) dọc theo hai bên đường Đông Trường Sơn (huyện M’Đrắk).

Họ đang có dấu hiệu tiếp tục xâm canh, lấn đất lâm nghiệp, đất rừng để trồng cây nông nghiệp. Qua đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp và gây ra nhiều hệ luỵ cho công tác quản lý dân cư, bảo vệ rừng sau này.

Mặc dù, UBND huyện M’Đrắk đã tổ chức tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện cưỡng chế được. Bởi đất sản xuất ở khu tái định cư số 2 chưa được bàn giao để người dân canh tác.

src=https://static.fireant.vn/Upload/20241230/images/Untitled-03.jpg

Ảnh: Bảo Trung

Ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, cho biết một bộ phận người dân tại khu tái định cư đã ổn định cuộc sống, con em được đảm bảo học hành.

Một số trường hợp có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống, bà con vẫn nặng tâm lý chưa có đất sản xuất.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, trồng lúa còn nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến việc bàn giao đất canh tác cho người dân bị chậm trễ.

Link gốc