Cảnh báo tình trạng lừa đảo người mua, bán vàng - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-06-09 12:05:16
- OTHER
Thời gian gần đây, các ngân hàng như BIDV, MB, SHB ... và các doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC, Bảo Tín Minh Châu... cảnh báo về tình trạng nhiều đối tượng mạo danh thương hiệu ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng để lừa đảo người mua vàng, khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác.
Cảnh báo này được đưa ra trước thực tế hình thức lừa đảo mua bán vàng nở rộ thời gian qua, khi giá kim loại quý trong nước chênh cao so với thế giới, duy trì ở mức trên 10 triệu đồng/lượng và người dân khó mua khi có nhu cầu do nguồn cung hạn chế.
Theo SHB, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giả mạo tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng uy tín để lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo giả mạo website, fanpage, tài khoản mạng xã hội với tên miền, giao diện và logo giống hệt các thương hiệu kinh doanh vàng uy tín như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… hoặc các tổ chức tín dụng được cấp phép như SHB, khiến người dùng dễ dàng nhầm lẫn với trang chính thức.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sau khi tạo dựng lòng tin, kẻ gian tung tin giả về giá vàng hoặc bạc, quảng bá chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao, tặng thưởng hấp dẫn; mời gọi đầu tư online, cam kết lãi cao (theo ngày hoặc tuần). Đây là hình thức lừa đảo có dấu hiệu đa cấp hoặc chiếm đoạt tiền.
Sản phẩm Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu bị làm giả.
Khi nạn nhân sập bẫy, đối tượng lừa đảo tiếp tục gửi tin nhắn, email giả danh để thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi. Thậm chí, họ còn mạo danh người thân, nhân viên công ty vàng, gọi điện hoặc liên hệ qua mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu thức chim mồi tung hình ảnh chốt lời cao để kích thích khách hàng, hoặc gửi giấy xác nhận đã đặt hàng có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin.
“Trước tình hình thị trường vàng biến động mạnh và các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khách hàng cần tuyệt đối cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán vàng. Người dân chỉ nên giao dịch tại các điểm được cấp phép chính thức. Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân”, đại diện SHB nhấn mạnh.
Nhiều ngân hàng như BIDV, MB… mới đây cũng cảnh báo về thủ đoạn giả mạo trang web, fanpage, tài khoản mạng xã hội với tên miền, giao diện và logo giống hệt các thương hiệu kinh doanh vàng uy tín, khiến người dùng dễ nhầm lẫn với trang chính thức. Các đối tượng còn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, thay vì chỉ doanh nghiệp kinh doanh vàng như trước đây.
Trước đó, Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM (SJC) cũng cho biết đã có một số đối tượng lập trang web, fanpage giả mạo thương hiệu này để lừa đảo, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý.
Các ngân hàng cảnh báo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không giao dịch vàng/bạc qua các kênh không chính thống và cần thận trọng trước mọi lời mời chào đầu tư sinh lời cao, vì phía sau có thể là cái bẫy tài chính được giăng sẵn để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào (truy cập vào link lạ, cài đặt ứng dụng lạ, chuyển tiền, nạp thẻ, rút tiền…) của các đối tượng khi có nghi vấn. Không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc học… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. SHB không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger, Telegram, What’sapp…).
Khách hàng chỉ nên thực hiện giao dịch mua, bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm chính thức đã được Nhà nước cấp phép. Tuyệt đối không giao dịch qua các kênh trung gian, không rõ nguồn gốc.
Trong trường hợp cần tra cứu thông tin qua Internet, khách hàng cần đảm bảo truy cập đúng website chính thức của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính uy tín thường sử dụng tên miền đã được đăng ký với cơ quan chức năng tại Việt Nam như .vn hoặc .com.vn. Những website có tên miền lạ như .vip, .top, .cc… rất có thể là giả mạo và tiềm ẩn rủi ro cao về lừa đảo.
Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải treo bảng hiệu nhận diện, niêm yết công khai giấy phép để người dân nhận diện là điểm mua bán hợp pháp.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...
Ngày 14/5 vừa qua, Công an thành phố Đà Nẵng phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo giao dịch mua bán vàng qua mạng xã hội.
Theo cơ quan công an, thời gian qua, giá vàng trong nước có sự biến động mạnh. Nắm bắt nhu cầu của nhiều người dân, đối tượng xấu đã dựng kịch bản lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu mua bán, trao đổi vàng qua mạng xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tạo lập tài khoản Facebook ảo, sau đó tham gia các hội nhóm trao đổi, mua bán vàng để tìm kiếm con mồi. Đối với người có nhu cầu mua, đối tượng sẽ giả thành người có nhu cầu bán vàng, còn đối với người bán thì ngược lại.
Tìm được con mồi, đối tượng sẽ nhắn tin, trao đổi yêu cầu người mua, bán vàng thật cung cấp vị trí, số lượng bán, giá bán. Đối tượng sẽ đóng vai trò trung gian để hẹn cả người bán vàng thật, người mua vàng thật ra các cửa hàng vàng uy tín để giao dịch, kiểm tra vàng trực tiếp.
Nhiều người mua vàng đã tin tưởng rằng người thật, vàng thật nên chuyển tiền cho đối tượng trung gian. Chỉ đến khi người bán không nhận được tiền, người mua không được nhận vàng, mới biết mình đã trở thành nạn nhân vụ lừa đảo tinh vi.