Bỏ giấy phép xây dựng được không? - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News

  • 2025-05-27 09:37:00
  • OTHER

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu bỏ được thủ tục cấp phép xây dựng dự án và đẩy nhanh thời gian xử lý các thủ tục khác thì doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí không tên, góp phần đóng góp cho kinh tế. Trong khi đó, người dân ủng hộ rất cao đề xuất bỏ giấy phép xây dựng, bởi thực tế, việc xin xây dựng nhà ở gặp không ít bất cập.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu tiếp tục đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, linh hoạt kiến tạo sự phát triển; cải cách triệt để, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của địa phương; xóa bỏ cơ chế xin - cho và tư duy không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm.

Thủ tướng nhấn mạnh, cương quyết loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết. Dẫn chứng ở câu chuyện xây dựng nhà ở của người dân, Thủ tướng cho biết, cơ quan quản lý đã có quy hoạch, quản lý chi tiết về chiều cao, tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ công trình, khoảng cách giữa các nhà, giữa nhà với đường, vỉa hè... thì không cần yêu cầu người dân xin giấy phép xây dựng.


Một dự án bất động sản ở TP. Thủ Đức nằm chờ tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ảnh: VP

Nhà, đất thuộc quyền sử dụng người dân, người dân có quyền xây dựng, việc của chính quyền xã phường là kiểm tra thực tế xem người dân có thực hiện đúng hay không. Tương tự các quy trình thủ tục ở các lĩnh vực khác, Thủ tướng cho hay.

Phát biểu của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân và doanh nghiệp. Bởi từ trước đến nay, câu chuyện thủ tục hành chính rườm rà là rảo cản lớn kìm hãm sự phát triển, gây bức xúc trong nhân dân, doanh nghiệp.

Từ góc độ là doanh nghiệp phát triển dự án, CEO Asian Holding Nguyễn Văn Hậu bày tỏ sự nhất trí cao với ý kiến, chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Hậu cho biết, thông thường khi triển khai dự án phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục như: Quyết định chủ trương đầu tư; Thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Thực hiện thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Nếu như ở địa phương quy trình xin cấp phép dự án thường mất từ 2-3 năm thì ở các đô thị lớn mất nhiều thời gian hơn, ít nhất từ 4-5 năm, ông nói.

Cần bãi bỏ các thủ tục mang tính chất kỹ thuật

Ông Hậu đánh giá, nếu bỏ được thủ tục cấp phép xây dựng và đẩy nhanh thời gian xử lý các thủ tục khác thì doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí không tên, từ đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đóng góp cho kinh tế.

Quy hoạch chi tiết 1/500 đã có thể hiện đầy đủ các thông tin về dự án, công trình... từ những điều nhỏ nhất. Trong kỷ nguyên mới, việc cắt giảm thủ tục rườm rà là việc cần thiết và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế để có thể đóng góp cho đất nước, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị CEO cho rằng, câu chuyện bỏ cấp phép xây dựng với nhà dân cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, thực tế hiện nay việc số hóa dữ liệu đất đai chưa hoàn thiện, việc xây dựng sai phép, trái phép thời gian qua cũng là vấn đề nhức nhối.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP. Invest cũng từng chia sẻ về thị trường bất động sản (BĐS) rằng, giai đoạn 2025-2026, nếu các vấn đề thể chế, vướng mắc liên quan đến pháp lý như định giá đất, quy hoạch trong phát triển dự án tại các địa phương được tháo gỡ, đồng thời, các chính sách kích thích đầu tư tư nhân được thực hiện thì đây sẽ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực BĐS, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38-40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Không có dự án nào không phải điều chỉnh quy hoạch, kéo lùi tiến độ triển khai. Sự lúng túng, chậm trễ trong thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và càng khó khăn trong xoay xở dòng tiền.

Trong khi đó, đưa ra quan điểm về quy trình thủ tục đầu tư dự án, LS. Nguyễn Văn Đỉnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong các thủ tục pháp lý dự án thì thủ tục chủ trương đầu tư là không thể bỏ. Đây là thủ tục cần thiết, đặc biệt với các dự án BĐS, dự án có sử dụng đất (nhất là dự án lớn).

Vì vậy, để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, LS Đỉnh kiến nghị cần bãi bỏ các thủ tục thuần túy mang tính chất kỹ thuật, như: Thẩm định thiết kế/báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm duyệt thiết kế PCCC; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); cấp giấy phép xây dựng… của cơ quan quản lý nhà nước, để chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thay đổi theo hướng xã hội hóa.

Lý do là các thủ tục nêu trên thuần túy kỹ thuật, cơ quan quản lý chỉ cần sử dụng dịch vụ thẩm tra của các đơn vị có đủ năng lực thay vì trình cơ quan nhà nước thẩm định, giải quyết. Như vậy, Nhà nước có thể điều chỉnh theo hướng tương tự đăng kiểm phương tiện giao thông hiện nay.

Nhìn xa hơn, vị LS nêu rõ, việc các dự án tắc nghẽn do pháp lý còn liên quan đến các thủ tục khác, quy định bởi nhiều luật khác và thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Do đó, cần rà soát, sửa đổi các luật liên quan để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Vũ Phạm-Link gốc