Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng: Lãnh đạo cấp cao cũng bị lộ lọt dữ liệu cá nhân - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-05-12 19:23:00
- OTHER
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng là vô cùng khó, kể cả những đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng bị lộ lọt dữ liệu cá nhân từ những nguồn khó để xác định.
Chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026…
Một cú click, nhận hàng chục cuộc gọi mời mua nhà
Phát biểu tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ ông từng bị làm phiền vì chỉ một cú click, đọc thông tin mua bán nhà.
Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng đối với chúng ta là vô cùng khó. Kể cả những đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng bị lộ lọt dữ liệu cá nhân từ những nguồn khó để xác định, ông Cường nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Quản Minh Cường. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... Bên cạnh đó là biện pháp xử lý với những trường hợp dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, bị lợi dụng với mục đích khác.
Ông Quản Minh Cường dẫn chứng việc đi siêu thị, khi mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại; khi đi máy bay trên vé cũng có số điện thoại, vừa xuống đến cửa đã có người gọi điện hỏi có đi taxi về không?. Thậm chí, có khi ông chỉ vô tình xem, chạm vào một quảng cáo nào đó về mua bán nhà thì ngay ngày hôm đó có cả chục cuộc điện thoại gọi đến giới thiệu dự án.
Đây là một hình thức lộ lọt thông tin, ông Cường nhấn mạnh và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp để người dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân.
Vì sao cần cân nhắc quy định xử phạt doanh nghiệp từ 1% đến 5% doanh thu khi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Đồng quan điểm về việc phải siết chặt quy định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Phạm Phú Bình (tỉnh Nghệ An) cho rằng quy định trong dự thảo luật là xóa toàn bộ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp chỉ cần xoá một vài dữ liệu nhất định mà người ta thấy là nhạy cảm và không muốn lưu trên cơ sở dữ liệu đó.
Đơn cử, cách đây vài năm, một số đơn vị cung cấp dịch vụ có thu tiền của khách hàng qua thẻ tín dụng và lưu trữ lại thông tin về thẻ tín dụng sau khi thực hiện giao dịch với mong muốn thuận tiện hơn trong các giao dịch sau.
Tuy nhiên, sau thời gian nhất định, khách hàng nhận thấy có tình trạng lộ lọt dữ liệu thẻ tín dụng.
Rất nhiều trường hợp, kể cả cá nhân tôi từng mất tiền vì bị sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng. Do đó, qua kinh nghiệm quá nhân, sau khi thanh toán xong, tôi lựa chọn không lưu trữ dữ liệu thẻ trên các trang web của nhà cung cấp hoặc đã lưu trữ thì yêu cầu xoá, ĐBQH Bình nói.
Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần bổ sung quy định này vì sẽ dễ dàng hơn và nhận được sự đồng thuận của cả hai bên từ chủ sở hữu dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ.
Chiếm đoạt thông tin cá nhân để lừa đảo, đánh bạc, vu khống
Góp ý tại tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (đoàn Bắc Ninh) chỉ ra dữ liệu cá nhân là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ việc đổi mới sáng tạo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật có tới 68 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập, đòi hỏi cần phải điều chỉnh sửa đổi.
Đơn cử như chưa có chế tài hình sự điều chỉnh phạm vi về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân cũng như chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Ảnh: Media Quốc hội
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, thực tế thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu của các tổ chức, cá nhân và của các đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hiện nay, tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh, hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai hoặc sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, như: lừa đảo, đánh bạc, vu khống, hạ nhục người khác,…
Cùng đó, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mặt khác, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số với sự tham gia ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của dữ liệu số.
Do đó, dữ liệu cá nhân, đã trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra những giá trị lợi nhuận trong nền kinh tế quốc dân.
Theo ông, việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân tại dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết hạn chế thiếu thống nhất, rải rác trong các quy định hiện hành.
Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở cả môi trường truyền thống (giấy tờ, hồ sơ, tài liệu,…) và môi trường điện tử là rất cần thiết, phù hợp với thực tế và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu.
Ông cho rằng, nếu chỉ quy định môi trường điện tử sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, tương thích với quốc tế và đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, không tạo ra rào cản về thủ tục hành chính.
Ngoài ra, để bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, huy động được các nguồn lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, gắn trách nhiệm bảo vệ phù hợp với vai trò của từng lực lượng, giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước, tăng tính chủ động và tăng hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Luật quy định cơ quan chuyên trách, lực lượng chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, phù hợp.
Quỳnh Nguyễn