Bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động tại Hà Nội - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2024-12-14 20:45:00
- OTHER
Bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động dọc bờ sông Cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ và môi trường.
Bến cảng chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động tại Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Đạt Đỗ
Theo phản ánh của người dân, dọc bờ sông Cầu đoạn qua khu vực xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, hàng loạt bến cảng, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trạm trộn bêtông hoạt động ngày đêm. Tâm điểm là việc tồn tại của cảng Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, gây bức xúc dư luận.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực ngã ba sông Cầu - sông Công (thuộc thôn Hòa Bình, xã Trung Giã), cảng Hòa Bình với diện tích lên đến hàng chục nghìn mét vuông tấp nập với hoạt động bốc xếp than, cát, sỏi, đất đá, dăm gỗ… từ tàu lên bãi tập kết và từ bãi lên các xe tải.
Bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bêtông làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ của tuyến sông Cầu. Ảnh: Đạt Đỗ
Cũng theo nghi nhận, khu vực bến cảng Hòa Bình có chiều dài khoảng 300 - 400m, được xây dựng kiên cố bằng bêtông và nhiều cẩu trục được lắp đặt cố định, cùng với hàng loạt máy xúc các loại hoạt động tấp nập.
Từ đường tỉnh 296 nối xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) rẽ vào khu vực cảng, đường được làm bằng bêtông kiên cố, hàng loạt xe tải trọng lớn xếp hàng dài chờ vào cảng vận chuyển than, cát, sỏi. Phía ngoài sông, một số tàu chở hàng cỡ lớn cũng đang neo đậu chờ cập cảng.
Cùng đó, ngay sát cảng Hòa Bình là 2 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ. Ngạc nhiên hơn, ngay sát khu vực cảng là một số nhà xưởng lợp tôn, trạm trộn bêtông cũng được dựng lên…
Tời vận chuyển hàng hóa từ tàu thuyền vào cảng. Ảnh: Đạt Đỗ
Theo anh Nguyễn Hồng Sơn (người dân Trung Giã), khu vực cảng Hòa Bình hoạt động nhiều năm nay và năm 2023 đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, buộc khắc phục tình trạng của đất trước khi vi phạm… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn khu vực này lại hoạt động trở lại.
Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết huyện đã kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, việc xin cấp phép của các đơn vị ở bãi tập kết này ngoài các vấn đề về đất đai, môi trường… còn liên quan đến vấn đề quy hoạch bến thủy nội địa.
Mới đây nhất ngày 7.11.2024, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) ký văn bản số 2522/TLPCTT-ĐĐ, đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai thuộc địa bàn xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn).
Đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND xã Trung Giã phối hợp với Hạt Quản lý đê số 8 và các đơn vị có liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm nêu trên theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, không để vi phạm tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân… đồng thời có kế hoạch ngăn chặn, không để vi phạm mới phát sinh. Tuy nhiên đến nay những hành vi vi phạm trên chưa được xử lý, vẫn tồn tại gây bức xúc trong dư luận.
Xe tải trọng lớn ra vào tấp nập khu bến cảng để bốc dỡ hàng hóa, vật liệu. Ảnh: Đạt Đỗ
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Khổng Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Giã - cho biết, khu vực này là đất nông nghiệp được người dân mua gom lại làm bến trung chuyển. Tất cả những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, bến cảng phục vụ bốc dỡ hàng hóa, trạm trộn bêtông chạy dọc theo bờ sông Cầu đã tồn tại và hoạt động từ nhiều năm nay nhưng đều không được cấp phép hoạt động.
Theo thẩm quyền cấp địa phương, UBND xã đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động, xã đã có nhiều văn bản kiến nghị lên huyện và hằng năm vẫn tiến hành rà soát, báo cáo, ông Hoàn cho hay.
Minh Hạnh