Áp thuế nước giải khát có đường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ cơ sở khoa học - Chi tiết bài viết | Vietcap AI News
- 2025-06-07 05:56:00
- OTHER
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp thứ 9, phiên Thảo luận của Quốc hội về Dự thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi) ngày 9.5.2025, Dự thảo mới nhất đã sửa đổi đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức thuế 8% vào năm 2027 và 10% từ năm 2028.
Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội băn khoăn khi chưa có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, đánh giá toàn diện và tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đảm bảo tính công bằng khi áp thuế đối với nước giải khát có đường và kiến nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình áp thuế phù hợp đối với mặt hàng mới như nước giải khát có đường.
Theo Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, mặc dù tán thành với việc quy định lộ trình áp thuế đối với mặt hàng mới nhưng cần có đánh giá tác động đầy đủ khi mà mặt hàng nước giải khát có đường là mặt hàng có mối liên hệ đến hơn 20 ngành liên quan trong chuỗi giá trị, như ngành hàng bán lẻ, du lịch, nhà hàng, khách sạn và hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng mía, công ty sản xuất đường.
Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn - Đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Văn phòng Quốc hội
Đại biểu cho rằng, với việc áp thuế đối với mặt hàng mới cần phải có lộ trình chuẩn bị dài hơi, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và gánh nặng về thuế, phí. Đặc biệt, là trong bối cảnh hiện nay, khi Hoa Kỳ đang có động thái áp dụng thuế đối ứng lên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sau khi đánh giá các thông tin đa chiều, trong đó có báo cáo đánh giá tác động của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đối với nước giải khát có đường, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung lộ trình áp dụng thuế suất đối với nước giải khát cụ thể.
Phương án 1, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 1 năm, từ ngày 1.1.2027 đến 31.12.2027 mức thuế suất 5%, từ ngày 1.1.2028 đến 31.12.2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1.1.2029 mức thuế suất 10%.
Phương án 2, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 2 năm, từ ngày 1.1.2028 đến 31.12.2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1.1.2029 mức thuế suất 10%.
Theo đại biểu, việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ đảm bảo quá trình triển khai, không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, các doanh nghiệp có thời gian thay đổi chiến lược sản phẩm, hướng sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và vẫn đảm bảo mục tiêu kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình rất băn khoăn trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng và dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần phải được cân nhắc thấu đáo và dựa trên các đánh giá toàn diện.
Đại biểu cho rằng việc tăng hay áp thuế có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng nếu thực hiện quá nhanh và mạnh sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm giảm nguồn thu trong trung và dài hạn. Đại biểu phân tích, người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng chịu chi phí sẽ là nhóm ảnh hưởng rõ nét nhất.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải có một nghiên cứu độc lập và có thể kết hợp với các hiệp hội ngành hàng để thực hiện đánh giá tác động toàn diện của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Văn phòng Quốc hội
Đánh giá khoa học về mối liên hệ giữa tiêu thụ nước giải khát có đường và sức khỏe cộng đồng và kết quả đánh giá nên được công khai để đảm bảo tính minh bạch và tạo sự đồng thuận của xã hội. Đại biểu cũng rất trăn trở về việc chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế với lộ trình có thể từ 3% - 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh
Đức Vân